TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI) TẠI HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH

06/09/2022

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tới đây.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật. Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tới đây.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 07 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 01 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo; cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu và giải trình cơ bản đầy đủ, chi tiết ý kiến của đại biểu Quốc hội và tạo được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan. Chất lượng dự thảo Luật đến nay rất tốt và có thể trình để Quốc hội xem xét, quyết định.

Tham gia góp ý tại Phiên họp, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã làm tốt việc giải trình, tiếp thu và chuẩn bị tài liệu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này. Đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Uỷ ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ sự đồng tình việc duy trì thanh tra cấp huyện. Qua giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, bất cập của nhiều nơi là do thiếu quan tâm cả về tổ chức, biên chế, đào tạo nguồn nhân lực cũng như các điều kiện bảo đảm cho hoạt động thanh tra cấp huyện. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên duy trì thanh tra cấp huyện, cần củng cố cả về tổ chức, biên chế, đào tạo, chế độ chính sách. Bởi vì ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thanh tra để giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương thì thanh tra huyện còn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp nhau rất kỹ, chặt chẽ, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện nội dung này trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, chất lượng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đến nay rất tốt và có thể trình để Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Góp ý vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát quan hệ giữa thanh tra huyện với Chủ tịch huyện và UBND huyện, giữa thanh tra tỉnh và Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh, giữa thanh tra Chính phủ với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn trong dự thảo Luật có xử lý quan hệ này không và trong thực tế hoạt động có gì vướng mắc không thì cần làm rõ. Đồng thời băn khoăn về tính độc lập của thanh tra, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thể hiện như thế nào trong dự án Luật này, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ đến đâu, ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng về vấn đề này như thế nào? Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát các nội dung này và báo cáo thêm. Nhất là Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì trong chính sách hay trong tổng kết luật chưa thấy đề cập đến nội dung này. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các nội dung này rất quan trọng nhằm nâng cao tính trách nhiệm, và khi có kết luận thanh tra sẽ rất nhanh.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Trong đó, cần lưu ý làm rõ và quy định chặt chẽ trách nhiệm, thẩm quyền, quan hệ công tác giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; quy định cụ thể các khâu của quy trình thanh tra, việc ban hành và thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của Đoàn thanh tra, hoạt động thanh tra tuân thủ đúng pháp luật, không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra; rà soát quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, việc trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước; tiếp tục rà soát quy định của các luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ, trong đó lưu ý việc điều chỉnh các chức danh có thẩm quyền xử phạt của cơ quan thanh tra theo Luật Xử lý vi phạm hành chính cần gắn với quá trình sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Minh Hùng