Tích cực chuẩn bị bảo đảm tổ chức thành công, hiệu quả của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022
Diễn đàn Kinh tế là hoạt động thường niên của Quốc hội
Diễn đàn Kinh tế là một hoạt động thường niên của Quốc hội, với sự tham gia đồng chủ trì của các cơ quan, viện nghiên cứu, được khởi động từ năm 2021. Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo tiền đề để “bứt phá” thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng và các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết khác của Quốc hội, Diễn đàn sẽ đổi tên gọi thành Diễn đàn Kinh tế - xã hội, với chủ đề của năm 2022 là: “Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thức đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung, như: làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ. Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022… nhằm tập hợp, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021
Trước đó, năm 2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu với 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, 20 Uỷ viên Trung ương Đảng và 25 Bộ trưởng, Trưởng Ban Đảng, trưởng ngành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; đại sứ, đại biện lâm thời của các nước trong khu vực và trên thế giới cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện các tập doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Diễn đàn được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu trong nước và quốc tế, với những điểm cầu kết nối trực tuyến tại Pháp, Mỹ, Thuỵ Sỹ, Thái Lan.
Thành công của Diễn đàn kinh tế lần thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Diễn đàn kinh tế năm 2021, tạo ra thông điệp về tự cường, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, năng lực quản trị doanh nghiệp và đoàn kết sát cánh vượt qua khó khăn, thách thức. Thông tin tại Diễn đàn, những giải pháp kiến nghị rõ ràng cụ thể là đầu vào, tư liệu quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cơ quan hữu quan xây dựng hoàn thiện Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và đề các gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phòng chống dịch COVID -19 và Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Đánh giá về thành công của Diễn đàn kinh tế năm 2021, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng, Diễn đàn đã mang đến nhiều gợi ý chính sách quan trọng, góp phần thiết kế chính sách tài khóa linh hoạt, phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập chưa từng có, là liều thuốc cho nền kinh tế nước nhà sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh. Việc thực hiện chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần phân tích kỹ lưỡng và sớm khắc phục trong thời gian tới.
TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính -Tiền tệ Quốc gia
Quan tâm đến vấn đề chính sách tài khóa, Theo TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính -Tiền tệ Quốc gia cho rằng, các bộ, ngành đã có sự chủ động, tích cực và quyết liệt trong việc đề xuất và thực thi chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19 theo tinh thần của Chương trình phục hồi kinh tế và đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách cũng như các biện pháp miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, vai trò các chính sách tài khóa đã thể hiện rõ qua nhiều phương diện. Nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp đã giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 7,9% của cùng kỳ năm 2021 và tiệm cận mức 9,5% của cùng kỳ năm 2019, mức trước đại dịch. Cùng với đó, chính sách tài khóa cũng góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát trong bối cảnh đang tăng cao thông qua việc giảm thuế phí.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với chính sách tài khóa linh hoạt, các bộ ngành cũng tiếp tục thực hiện theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực ổn định an sinh xã hội. Đồng thời, chính sách chi cũng được mở rộng thông qua việc tăng chi đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng cũng như nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế; cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay ưu đãi tín dụng. Ngân sách nhà nước cũng chi cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách tài khóa vẫn còn một số hạn chế như: một số khoản thu, địa bàn đạt thấp, nhất là nguồn thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; việc quản lý thu vẫn còn tình trạng nợ đọng thuế của doanh nghiệp; tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh tế diễn biến phức tạp; đặc biệt là tiến độ giải ngân còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
ThS.Nguyễn Thị Thúy, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cùng một số chuyên gia cho rằng, giải ngân vốn đạt thấp không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mà còn gây lãng phí do nguồn lực đã được huy động nhưng không được đưa vào nền kinh tế trong khi vẫn phải trả lãi. Ngoài ra, áp lực bội chi và nợ công từ việc triển khai các gói hỗ trợ tài khóa để phục hồi kinh tế cũng là vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước trong năm 2022. Dư địa tài khóa và tình hình nợ công có xu hướng cải thiện trong những năm gần đây, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách nhà nước giai đoạn tới sẽ chậm lại, tỷ lệ trả nợ tăng nhanh. Điều này vừa khiến giảm dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, vừa làm bội chi và nợ công tăng tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
Để có thể triển khai tốt các chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần tiếp tục phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay và ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát. Đồng thời, cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, hướng tới xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho Ngân sách Nhà nước, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế đất nước.