Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này gồm 12 Chương, 106 Điều với 09 nhóm chính sách, tập trung vào 5 nhóm nội dung lớn: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện.
Về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề, Chính phủ trình 02 phương án: Phương án (1) Giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật; Phương án (2) Giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Quan tâm tới quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, Hội đồng Y khoa Quốc gia quy định như dự thảo Luật là nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, đó là "Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề".
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn, hiện nay các luật hiện hành đều quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề; quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định đánh giá năng lực hành nghề, nên việc giao nhiệm vụ cho Hội đồng Y khoa Quốc gia tại khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Đồng thời, đề nghị, làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia để bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong công tác xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung kinh nghiệm các nước đã thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia có nhiệm vụ như dự thảo Luật quy định để tham khảo.
Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, dự thảo Luật chưa quy định rõ về hình thức tổ chức, tính chất cũng như thẩm quyền của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Bên cạnh đó, theo Quyết định 956/QĐ-TTg năm 2020 thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia cho thấy người đứng đầu Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế, thành viên Hội đồng là đại diện của các cơ quan, cơ bản đều hoạt động kiêm nhiệm.
Băn khoăn về quy định này, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng Hội đồng Y khoa Quốc gia nên được giao những nhiệm vụ như tư vấn, xây dựng thể chế, chính sách về y tế để khám bệnh, chữa bệnh cũng như giải quyết các vấn đề chuyên môn hơn là được giao những nhiệm vụ mang tính thủ tục hành chính như quy định trong dự thảo Luật.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, đề nghị xem xét lại quy định này vì đến nay Hội đồng Y khoa quốc gia chưa có địa vị pháp lý cụ thể, nếu giao cho cơ quan này cấp giấy phép hành nghề thì khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, thời gian thực hiện sẽ không kịp thời, gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở; đồng thời cũng gây khó khăn cho người hành nghề khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề, đặc biệt là những người hành nghề tuyến y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn biên giới, hải đảo.
Về quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện (Khoản 2, Điều 21), đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định này vì hiện nay chính sách tiền lương đối với những người hành nghề tại vùng thuận lợi so với vùng đặc biệt khó khăn không chênh lệch nhiều, người hành nghề tại vùng khó khăn ngoài chế độ tiền lương thì họ không có điều kiện làm thêm để tăng thu nhập. Vì vậy nếu đã trải qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện và được cấp giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc thì việc thu hút họ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở ở những tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo là rất khó khăn và như vậy việc thiếu bác sỹ, nhân lực y tế tại những vùng này càng trở nên trầm trọng hơn./.