CẦN QUY ĐỊNH MỞ HÌNH THỨC YÊU CẦU GỠ BỎ PHIM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

26/05/2022

Thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết quy định mở về hình thức yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng gỡ bỏ phim có nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan...

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm có 8 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. 

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, trước kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến của cử tri vào dự án Luật và Đoàn đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và các đại biểu gửi đến Quốc hội. Trong đó đề cập nhiều nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau như chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; các hình thức phổ biến phim; chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Qua nghiên cứu báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý được trình tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà cho rằng về cơ bản ý kiến tham gia của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa trong dự thảo và cơ bản nhất trí với dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nghiêm Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật khi đã xây dựng dự thảo nghị định, các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để trình trong hồ sơ dự án Luật này.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, vẫn còn nội dung nhiều cử tri quan tâm và cá nhân đại biểu cho rằng cần được xem xét thêm để sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật này đó là quy định về hình thức phổ biến phim trên không gian mạng.

Có thể nói thời gian qua, hiện nay và dự báo thời gian tới, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khối lượng phim trên không gian mạng là rất lớn. Nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim trên mạng chiếm phần lớn lưu lượng truy cập Internet và điều này khiến thị trường phim trên mạng diễn ra ngày càng sôi động, phong phú. Bên cạnh những bộ phim hay, chất lượng tốt cũng xuất hiện nhiều phim có nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật, lạm dụng hình ảnh bạo lực, khêu gợi, hành vi phản cảm, thậm chí chứa đựng nội dung xuyên tạc về Việt Nam… gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý của người xem. Trong khi đó quy định của Luật Điện ảnh hiện hành về phổ biến phim trên không gian mạng còn đang có khoảng trống pháp lý, các quy định của pháp luật có liên quan cũng chưa phù hợp với thực tiễn, do đó rất cần thiết phải quy định chặt chẽ về hình thức phổ biến phim này.

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu cho rằng, cần thiết quy định mở về hình thức yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng gỡ bỏ phim có nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các đại biểu chỉ ra, điểm đ, khoản 2, Điều 21 dự thảo Luật quy định chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải “gỡ bỏ phim vi phạm Điều 9 của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Theo đó, với hình thức văn bản thì trong nhiều trường hợp sẽ không bảo đảm tính kịp thời vì tốc độ lan truyền của các phim được phổ biến trên không gian mạng rất nhanh. Với hình thức qua phương tiện điện tử thì theo quy định của khoản 10, Điều 4 Luật Giao dịch điện tử quy định “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”.

Trong khi đó, trên thực tế, có thể sẽ còn có những hình thức khác ngoài các hình thức trên được cơ quan có thẩm quyền sử dụng để yêu cầu chủ thể phổ biến phim phải gỡ phim. Do đó, các đại biểu đề nghị nên quy định mở về hình thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chủ thể phổ biến phim phải gỡ phim theo hướng khái quát đó là “Gỡ bỏ phim vi phạm Điều 9 Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu, đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật nghiên cứu điều chỉnh đối với việc dừng phổ biến phim quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 18 - nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim. Bên cạnh đó, bổ sung quyết định về thời hạn để chủ thể phổ biến phim thực hiện gỡ phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong đó cần quy định trường hợp phải gỡ ngay sau khi nhận được yêu cầu, kiến nghị sau đó mới thực hiện báo cáo, giải trình, phản hồi và trường hợp có thời hạn nhất định phải thực hiện gỡ bỏ để chủ thể phổ biến phim được giải trình hay phản hồi trước khi gỡ bỏ) để xác định rõ nghĩa vụ của chủ thể phổ biến phim và bảo đảm tính kịp thời trong việc xử lý phim có vi phạm, hạn chế tối đa những hậu quả, thiệt hại xảy ra. Đồng thời, quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về điện ảnh, an ninh mạng và cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng,  chống tội phạm an ninh mạng trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng./.

Thu Phương