ĐOÀN CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT TẠI HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG

02/03/2022

Chiều 01/03, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn khảo sát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách dân tộc và sáp nhập đơn vị hành chính tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cùng đi có các đồng chí: Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh.


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu tại buổi làm việc với xã Đoài Dương (Trùng Khánh).

Đoàn công tác thực hiện khảo sát, đánh giá tác động theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-TTg ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đến việc thực hiện chính sách dân tộc; những tác động sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn huyện.

Tại xã Đoài Dương, trước khi sắp xếp đơn vị hành chính, xã có 3 đơn vị hành chính gồm: Thông Huề, Thân Giáp, Đoàn Côn. Sau khi sắp xếp, xã có diện tích tự nhiên 53,3 km, dân số 5.254 người; 14 xóm, tổ dân phố. Xã sau khi sáp nhập vận hành ổn định, bộ máy lãnh đạo tinh gọn, giảm nhiều biên chế cán bộ không chuyên trách cấp xã, xóm.

Sau sáp nhập, xã còn một số khó khăn, vướng mắc như: Số cán bộ, công chức dôi dư (40 người) chưa được bố trí, sắp xếp kịp thời, dẫn đến một số chức danh có nhiều cán bộ, công chức cùng thực hiện một công việc gây áp lực; trụ sở, phòng làm việc chật hẹp...; diện tích các nhà văn hóa nhỏ hẹp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân; điều kiện cơ sở vật chất một số trường học chưa đảm bảo, một số trường mầm non ghép với trường tiểu học. Do địa hình chia cắt, khoảng cách địa lý giữa các xóm xa, việc sáp nhập các xóm rất khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, xã vùng III sáp nhập với xã vùng II nên còn bất cập, lúng túng trong việc thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tác trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, bảo hiểm y tế, hỗ trợ đầu tư cho giáo dục (miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên bị gián đoạn)... Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng...

Tiếp đó, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND huyện Trùng Khánh.

Lãnh đạo huyện Trùng Khánh báo cáo tại buổi làm việc.

Theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-TTg ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đến việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn, huyện Trùng Khánh có 15 xã vùng III, 3 xã vùng II, 3 xã vùng I, đối tượng tại các xã nay không thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), sẽ thôi không được thụ hưởng các chế độ, chính sách. Ngừng cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn gồm 4 xã, thị trấn, tổng số 4.950 người, kinh phí mua thẻ 1 năm 4 tỷ đồng; có 2 xã, xóm ĐBKK không thuộc diện đầu tư. Giảm kinh phí chi chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức như: phụ cấp thu hút, lâu năm 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ học sinh bán trú 522,9 triêu đồng; kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non 172,8 triệu đồng; kinh phí ăn trưa cho trẻ 326,6 triệu đồng; miễn giảm học phí 65,5 triệu đồng...

Về thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sau sáp nhập huyện có 19 xã, 2 thị trấn. UBND huyện có 13 cơ quan chuyên môn, 5 đơn vị sự nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 65 cán bộ, công chức khối Đảng; 110 cán bộ, công chức, 1.236 viên chức khối chính quyền; 563 cán bộ, công chức cấp xã; số cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện dôi dư so với quy định 145 người.

Sau sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã gây xáo trộn cho người dân và doanh nghiệp do phải chuyển đổi nhiều loại giấy tờ liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới. Việc sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, công chức ảnh hưởng đến tâm tư, nhất là đối với những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư...; nhân dân một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gặp khó khăn khi không còn được thụ hưởng các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Số lượng lớn học sinh các cấp học không được hưởng các chính sách về giáo dục và đào tạo.

Huyện kiến nghị: Nhà nước tiếp tục quan tâm cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (100%) hoặc ít nhất hỗ trợ (50%) cho các đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã vùng I. Xem xét miễn hoặc giảm học phí cho học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại các xã vùng I; bố trí kinh phí, tăng mức đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cho các xã vùng I, đăc biệt các xã sau sáp nhập. Sớm sửa đổi, bổ sung kịp thời, đồng bộ văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính sau sáp nhập. Bảo lưu số biên chế đảm bảo theo số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có mặt; phương án giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Quan tâm, ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức yên tâm công tác.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu kết luận buổi làm việc với huyện Trùng Khánh.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Trùng Khánh tiếp tục chỉ đạo sát sao, nắm tình hình, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức và nhân dân; kịp thời kiến nghị những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đoàn kết, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực hoạt động, phát huy vai trò trách nhiệm, khắc phục khó khăn hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.

(Theo Báo điện tử Cao Bằng)

Các bài viết khác