QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU VỀ HOÃN, MIỄN CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

02/03/2022

“Quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại” là nội dung còn quan điểm khác nhau tại phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Ủy ban Tư pháp tổ chức vào sáng 01/03, tại Nhà Quốc hội.

 

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể thứ 4 của Ủy ban Tư pháp

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, dự thảo Pháp lệnh gồm 05 chương, 48 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chi phí, lệ phí xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Sau khi nghiên cứu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Pháp lệnh, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức họp tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, về nội dung quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại còn có một số quan điểm khác nhau.

 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đây là những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người và cần phải được quy định bởi luật.

Mặt khác, theo thứ bậc có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh không dẫn chiếu đến quy định tại văn bản có giá trị hiệu lực thấp hơn. Hơn nữa, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định điều kiện áp dụng cho cả đối tượng là người trên 18 tuổi, chưa phù hợp với đối tượng là người dưới 18 tuổi. Do vậy, Pháp lệnh cần quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, thống nhất trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, dự thảo Pháp lệnh cần quy định cơ chế kiểm soát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đề nghị trong việc xem xét, áp dụng hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại, cụ thể như người bị đề nghị có quyền khiếu nại, cơ quan, tổ chức có quyền kháng nghị, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị các quy định này của Tòa án.

Quan điểm thứ hai cho rằng, điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại đã được quy định tại Điều 57 và Điều 58 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Dự thảo Pháp lệnh không cần quy định lại vấn đề này, chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Do đó, không nên quy định nội dung này trong dự thảo Pháp lệnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên thay mặt Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến tán thành loại ý kiến thứ nhất, bởi vì: Luật Phòng, chống ma túy chưa quy định nội dung nói trên. Dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó quy định các điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, là phù hợp với khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Điều 57 và Điều 58 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung nêu trên và Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định chung cho cả đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên, có quy định không phù hợp với người dưới 18 tuổi, mặt khác chưa bao quát hết các trường hợp ở độ tuổi này, như: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời gian được hoãn chấp hành quyết định mà bị Tòa án xử phạt tù nhưng không cho hưởng án treo; trường hợp trong thời gian chấp hành quyết định mà được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn nghiện ma túy nữa thì phải được miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc,… Do đó, dự thảo Pháp lệnh quy định nội dung này là phù hợp Luật phòng, chống ma túy và phù hợp với đặc điểm của việc đưa người bị đề nghị vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cũng cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Pháp lệnh, vì Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ cai nghiện ma túy áp dụng đối với đối tượng này. Chính phủ theo thẩm quyền đã ban hành Nghị định số 116, trong đó có quy định các điều kiện hoãn, miễn, tạm đình chỉ, đình chỉ tại Điều 57 và Điều 58. Dự thảo Pháp lệnh này chỉ quy định về trình tự , thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người bị đề nghị vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, không quy định lại nội dung đã được quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắk cơ bản tán thành quan điểm thứ hai theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao nêu. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân lý giải, nếu Nghị định 116/2021/NĐ-CP đã quy định về vấn đề này thì không nhất thiết phải quy định lại trong Pháp lệnh để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 2, Điều 8: Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác).

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị đánh giá thêm quy định tại Điều 57 và Điều 78 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP có phù hợp với thẩm quyền, phù hợp quy định của Luật Phòng, chống ma túy hay không? Nếu Nghị định không phù hợp thì quy định trong Pháp lệnh có phù hợp không?

Ủng hộ quan điểm quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Pháp lệnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, khi làm Nghị định số 116/2021/NĐ-CP bổ sung thêm người dưới 18 tuổi vào để điều chỉnh cả đối tượng người dưới 18 tuổi, cả người trên 18 tuổi. Như vậy việc quy định chung điều kiện hoãn, miễn giảm cho tất cả các đối tượng như vậy là bất cập, không phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường những điều kiện hoãn, miễn chấp hành đối với người trên 18 tuổi đã nằm ở Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP cũng không cần quy định. Còn lại những điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc  đối với người dưới 18 tuổi thì cơ quan soạn thảo nên để quy định tại Pháp lệnh là phù hợp.

Tham gia thẩm tra dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc nhất trí với quan điểm thứ nhất, đó là trong Pháp lệnh cần quy định cụ thể điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại để sau khi ban hành Pháp lệnh có thể triển khai thực hiện ngay. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định để đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất là trong dự thảo Pháp lệnh và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (Điều 57, Điều 58).

Về nội dung này, một số ý đại biểu cũng bày tỏ nhất trí quan điểm quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại dự thảo Pháp lệnh. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá, lập luận kỹ lưỡng, thuyết phục, có rà soát đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cũng tại phiên họp, đa số các ý kiến đại biểu đều tán thành cao sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh, đồng thời đề nghị cơ quan trình tiếp tục rà soát lại các quy định trong dự thảo Pháp lệnh để bảo đảm trình tự, thủ tục thân thiện; quy định cụ thể về chi phí, lệ phí; rà soát lại quy định về thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thời điểm có hiệu lực quyết định của Tòa án,…

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban sẽ khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, đồng thời đề nghị Tòa án nhân dân tối cáo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đầy đủ Hồ sơ dự án Pháp lệnh về Trình tự, thủ tục Tóa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới./.

Lê Anh

Các bài viết khác