BẢO ĐẢM THỦ TỤC THÂN THIỆN VÀ LỢI ÍCH TỐT NHẤT KHI ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

01/03/2022

Sáng 01/03, tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Tư pháp, cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bát bắt, nhiều ĐBQH đề nghị, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm thủ tục thân thiện, đảm bảo lợi ích tốt nhất của đối tượng bị đề nghị vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

Phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp lần thứ 4 được diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp: (a) người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện, (b) người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy, (c) người nghiện ma túy chác chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du báo cáo tại phiên họp

Cũng theo quy định tại Khoản 4, Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Khoản 5, Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Với những lý do trên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, việc ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc là cần thiết.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu rõ, một trong sáu mục đích xây dựng Pháp lệnh là "bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi".

Bổ sung nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị 

Dự thảo Pháp lệnh gồm 05 chương, 48 điều quy định về này quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về thủ tục thân thiện, tại dự thảo Pháp lệnh đã quy định một số mặt và yêu cầu của thủ tục thân thiện như: phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được bố trí thân thiện; trang phục của người tiến hành phiên họp; yêu cầu đối với Thẩm phán được phân công, giải quyết vụ việc; việc hỏi người bị đề nghị; ý kiến của người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người đạii diện quyền và lợi ích hợp pháp, ý kiến chuyên gia,…

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến bước đầu về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên, đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban cho rằng, đây là loại việc đặc thù, nên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm thủ tục thân thiện cũng như các yêu cầu nói chung để thực hiện có hiệu quả thủ tục này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị tại phần quy định chung trong dự thảo Pháp lệnh; đồng thời rà soát để bổ sung một số quy định của thủ tục thân thiện vào cá điều khoản có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, Nhóm nghiên cứu lưu ý, cần rà soát, bổ sung một khoản tại Điều 21 dự thảo Pháp lệnh (Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) có nội dung như sau: “Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện; bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị; người tiến hành phiên họp mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng; Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp bảo đảm quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này; phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn. Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp có mặt để hỗ trợ người bị đề nghị….”. Trên cơ sở đó, giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết để thi hành.

Quy định tại Pháp lệnh phải cụ thể hóa được mục đích đề ra

Tán thành với quan điểm của Nhóm nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cân nhắc lại quy định về thời gian, hồ sơ, địa điểm, thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhấn mạnh về về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, đại biểu đề nghị cần bảo đảm tính đặc thù, lưu ý đánh giá tâm sinh lý lứa tuổi, thủ tục tiến hành phiên họp phải thân thiện, nhân văn và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh, một trong sáu mục tiêu được nêu rõ là bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi. Do đó, quy định tại dự thảo phải toát lên cũng như cụ thể hóa được mục tiêu này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách, cần làm rõ nội hàm, bản chất của thủ tục “thân thiện”, không chỉ chú ý đến hình thức phiên họp mà ngay cả các câu hỏi tại phiên họp cũng phải phù hợp với đối tượng trẻ em (việc hỏi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của người bị đề nghị; câu hỏi dưới dạng ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu,…) , có sự tham vấn cán bộ chuyên môn về công tác xã hội, .... Khẳng định đây là loại việc đặc thù, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm thủ tục thân thiện cũng như các yêu cầu nói chung để thực hiện có hiệu quả thủ tục này.

Góp ý về việc bảo đảm quyền lợi, sự phát triển của người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi), đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, dự thảo Pháp lệnh đã có một số quy định thể hiện sự quan tâm yêu cầu bảo đảm tâm lý lứa tuổi của đối tượng bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (khoản 3, khoản 4 Điều 2; khoản 1 Điều 10; khoản 2 Điều 13;….). Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể hoặc chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện các quy định này (như khoản 2 Điều 13 quy định “Có thể tham vấn ý kiến chuyên gia….”; khoản 4 Điều 17 quy định “Phiên họp phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích….”). Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị, dự thảo cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này hoặc giao Hội đồng thẩm phán hướng dẫn.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan trình tiếp tục rà soát lại các quy định trong dự thảo Pháp lệnh để bảo đảm trình tự, thủ tục thân thiện; quy định cụ thể về chi phí, lệ phí; rà soát lại quy định về thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thời điểm có hiệu lực quyết định của Tòa án,…

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban sẽ khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, đồng thời đề nghị Tòa án nhân dân tối cáo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đầy đủ Hồ sơ dự án Pháp lệnh về Trình tự, thủ tục Tóa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới./.

Lê Anh

Các bài viết khác