Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi quan trọng là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhân dân.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung những quy định nhằm khắc phục những hạn chế bất cập trong Luật Đất đai hiện hành về các vấn đề quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư… Dự thảo luật sửa đổi theo hướng lợi ích của nhà nước và người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo tương xứng, nguồn lực về đất đai được phát huy để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên cũng còn không ít ý kiến muốn giữ nguyên 4 cấp lập quy hoạch sử dụng đất là cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã như trong luật hiện hành.
Đại biểu Hà Văn Khoát, đoàn Bắc Kạn cho rằng: Việc lập quy hoạch 3 cấp sẽ thuận lợi cho việc triển khai những dự án liên vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể: “Tôi ủng hộ phương án 3 cấp. Bởi khi đã nói quy hoạch thì có những quy hoạch không bị giới hạn ở địa giới hành chính mà nó quy hoạch liên vùng ở cấp huyện làm sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ sẽ thuận lợi hơn nhiều ở tầm quy hoạch của cấp huyện khi thực hiện những dự án và quản lý vì có điều kiện nhìn tổng thể địa giới”.
Vấn đề định giá đất, đại biểu La Ngọc Thoáng, đoàn Cao Bằng cho rằng: Cần phải tính toán lại để đảm bảo đời sống cho người dân. Đặc biệt với đất nông nghiệp vì khi thu hồi quyền sử dụng đất thì người dân không còn đất sản xuất, trong khi đất đai là tư liệu sản xuất chính với người nông dân.
Hiện nay do không còn quỹ đất nên việc thu hồi chỉ được trả bằng tiền, do vậy dự thảo luật đất đai sửa đổi phải quy định việc định giá đất rõ ràng, để có bồi thường thỏa đáng cho nông dân, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và nhân dân.
Đại biểu La Ngọc Thoáng nói: “Giá đất hiện nay nhiều bất hợp lý. Thực tế đa số vụ khiếu kiện về đất đai cũng chỉ vì giá. Theo tôi, nên hướng tới thu đất nông nghiệp giá phải tương đối sát giá thị trường, gần với giá của trồng cây lâu năm. Bởi cả đời người dân gắn bó với việc canh tác, nếu thu đất người ta không còn đất sản xuất. Giá cả thu hồi đất hiện nay nhiều vấn đề phải tính nếu không tính được, không nghĩ được thì đời sống của dân sẽ bị ảnh hưởng”.
Thực tế hiện nay đang diễn ra một nghịch lý là trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất thì nhiều dự án thu hồi đất lại bỏ hoang hoặc chậm triển khai, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, đoàn Khánh Hòa cho rằng, việc chậm đưa vào sử dụng diện tích đất đã thu hồi gây ra tình trạng lãng phí không nhỏ. Đề nghị sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh xảy ra tình trạng này.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân cũng đề nghị dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định cả việc thu hồi đất với những dự án chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất: “Luật Đất đai lần này phải quy định rõ khi thu hồi quyền sử dụng đất của người dân giao cho các doanh nghiệp thì phải có thời điểm rõ ràng. Ví dụ trong 5 năm mà không triển khai thì nhà nước phải có trách nhiệm thu hồi lại và hoàn trả lại cho người dân. Để tránh tình trạng đất bỏ hoang mà người dân không có đất sản xuất gây ra bức xúc rất lớn cho người dân và gây lãng phí vô cùng”.
Đất đai là sở hữu toàn dân, điều này đã được khẳng định trong Luật Đất đai sửa đổi và hiến pháp. Băn khoăn của đại biểu và cử tri là quản lý đất đai như thế nào để tránh rơi vào tình trạng lợi ích của một nhóm người nào đó.
Đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội kiến nghị: “Đất đai là sở hữu của toàn dân là đúng rồi nhưng cử tri quan tâm ai là người đại diện, đại diện thế nào cho đúng chứ không sở hữu toàn dân lại thuộc về một nhóm người chứ không phải là toàn dân. Thứ hai trong việc thu hồi đất, đa số cử tri mong muốn Quốc hội chỉ nên thông qua các dự án theo hướng chỉ những dự án mang tính quốc gia, quốc phòng, an ninh và thực sự phục vụ kinh tế xã hội ở cấp quốc gia thì quốc hội mới thu hồi, còn lại nên có sự thỏa thuận với dân”.
Thời gian qua, do yêu cầu phát triển kinh tế, nhà nước đã tiến hành thu hồi đất nhưng có 1 số dự án sử dụng không hiệu quả gây bức xúc trong nhân dân. Chỉ tính riêng diện tích đất thu hồi phục vụ phát triển khu công nghiệp đến nay mới sử dụng 5%.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội và cử tri cả nước trong thời gian qua, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này được chỉnh sửa theo hướng công bằng hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và nhân dân.
“Dự thảo luật lần này rất quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, đây là nội dung cử tri quan tâm. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian tiếp thu ý kiến, tham khảo ý kiến nhân dân làm sao việc thu hồi đất của nhà nước phục vụ dự án liên quan đến lợi ích quốc gia, công cộng, dự án an ninh quốc phòng. Riêng các dự án liên quan phát triển kinh tế xã hội, trong quá trình sửa đổi lần này đảm bảo chặt chẽ hơn. Sẽ phân biệt dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì nhà nước vẫn phải thu hồi. Còn dự án vì lợi ích của doanh nghiệp thì phần đó nhà nước không thu hồi, doanh nghiệp sẽ không thu hồi, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân”- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
Sau phiên thảo luận ngày mai (17/6), ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội biểu quyết, thông qua vào ngày 21-06 tới./.