Ngày làm việc thứ 20, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII: Thông qua Luật Phòng, chống khủng bố

13/06/2013

Ngày 12-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 20. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống khủng bố; thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết các vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII; nghe Chính phủ báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn. Sau đó, QH tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.

Nâng cao trách nhiệm  người đứng đầu trong phòng cháy, chữa cháy

Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), phần lớn ý kiến phát biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật này và cho rằng, dự thảo Luật cơ bản tháo gỡ được những vấn đề bức xúc hiện nay về PCCC, góp phần bảo đảm cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, dự thảo Luật chỉ sửa đổi, bổ sung 12/60 điều là chưa đủ, chưa bao quát hết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện Luật PCCC hiện hành, nhất là thời gian gần đây, ở TP Hà Nội và các địa phương trong cả nước, các vụ cháy xảy ra ngày càng phức tạp. Do vậy, cần mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung đối với dự án Luật này, theo hướng tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chấp hành pháp luật về PCCC, quan tâm xây dựng các lực lượng PCCC, tăng cường đầu tư trang thiết bị cho lực lượng PCCC.

 Ðề cập trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy (khoản 1 Ðiều 1), đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Ðịnh) cho rằng, dự thảo Luật quy định còn chung chung, do vậy cần quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; trách nhiệm bồi thường của cá nhân, cơ quan, đơn vị giúp cơ quan chức năng làm cơ sở pháp lý kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu tránh nhiệm để xảy ra cháy nổ. Luật cần đề cao trách nhiệm của lực lượng PCCC, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình trong công tác PCCC; có quy định bắt buộc đối với các hộ gia đình (nhất là các gia đình ở khu chung cư) có trang bị phương tiện về PCCC. Tuy nhiên, Ðại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, việc quy định chủ hộ gia đình trang bị phương tiện PCCC (bình CO2) là rất khó khả thi, và việc bảo quản bình phải tiến hành thường xuyên theo định kỳ gặp nhiều khó khăn.

Thảo luận về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở (khoản 9 Ðiều 1), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, cán bộ, đội viên đội dân phòng ở cơ sở là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong công tác PCCC, song dự thảo Luật quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng này còn chung chung, do vậy cần quy định cụ thể hơn.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố, các đại biểu QH tiến hành biểu quyết thông qua Ðiều 12 quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố và Ðiều 30 quy định về biện pháp phòng, chống khủng bố, trên cơ sở đó biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống khủng bố, với 447 đại biểu tán thành bằng 89,76% tổng số đại biểu QH.

Nâng cao chất lượng giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

Ðầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu QH nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Ðức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII. Theo đó, tại kỳ họp thứ tư, Ủy ban  Thường vụ QH đã chỉ đạo tiếp nhận, phân loại và gửi 1.487 kiến nghị của cử tri cả nước đến cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, trả lời cử tri. Trong đó, có 160 kiến nghị gửi đến các cơ quan của QH, cơ quan của Ủy ban Thường vụ QH; 1.309 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương; 13 kiến nghị gửi đến Tòa án Nhân dân tối cao và năm kiến nghị gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó chủ yếu là về tiếp tục ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; tăng cường quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng, dầu, điện, gạo; hoạt động của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ xấu; tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng; tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, xóa đói, giảm nghèo; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật...

Báo cáo nêu rõ:  So với các kỳ họp QH trước đây, trong và sau kỳ họp thứ tư, hầu hết các bộ, ngành đều đã tích cực quan tâm, nghiên cứu, tiếp thu, kịp thời có văn bản trả lời cử tri, giúp cho các đại biểu QH có thông tin tương đối đầy đủ để báo cáo với cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ năm. Nội dung văn bản giải quyết, trả lời cử tri chất lượng được nâng lên, trả lời đúng trọng tâm những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Ðối với những kiến nghị mà việc giải quyết đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật đều đã được ghi nhận, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện chính sách. Ðối với những kiến nghị cần giải trình, cung cấp thông tin, các bộ, ngành cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và các biện pháp phối hợp giữa bộ, ngành T.Ư và địa phương trong việc giải quyết để cử tri hiểu và địa phương thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp giải quyết.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành do số lượng kiến nghị nhiều, việc giải quyết, trả lời một số kiến nghị còn chậm so với thời hạn quy định, cho nên đại biểu QH gặp khó khăn khi trả lời cử tri trong hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm của QH.  Một số văn bản trả lời vẫn còn chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị, chủ yếu trích dẫn các quy định của pháp luật, nghị quyết, nghị định của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội mà chưa đề ra được giải pháp, lộ trình giải quyết. Trong các kiến nghị thuộc thẩm quyền Chính phủ, giao cho các bộ, ngành xem xét, giải quyết, có kiến nghị nhiều bộ cùng trả lời, có kiến nghị chưa được trả lời kịp thời vì cho rằng không thuộc thẩm quyền của bộ, ngành mình.

Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện lời hứa với cử tri và QH

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước QH báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.  Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, kết quả thực hiện Nghị quyết 40 của QH trong bốn lĩnh vực, bao gồm 22 nhóm nhiệm vụ. Ðáng chú ý là, đối với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết hàng tồn kho, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tập trung chỉ đạo chủ động thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Lượng tồn kho của một số loại hàng đã giảm so với tháng 12-2012 như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm chế biến chế tạo, xe có động cơ... tuy nhiên, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho lại tăng.

Về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 01-7-2013), khắc phục sơ hở trong quản lý và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, mặt hàng thường xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại (xăng dầu, khí hóa lỏng, pháo, gia cầm nhập lậu, thực phẩm...), chống hàng giả, hàng kém chất lượng (phân bón, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em...).

Ðối với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình trong xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi. Trong quý I năm 2013, đã tổ chức 14 đoàn thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Trong quá trình thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sai phạm, kịp thời khắc phục những thiếu sót trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, thu hồi những khoản chi vượt định mức; giảm trừ giá trị thanh toán, quyết toán không phù hợp với khối lượng thi công thực tế; xử phạt hành chính, kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp xử lý nợ xấu như rà soát, đánh giá, phân loại lại nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn, tài sản bảo đảm; đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm để có giải pháp xử lý phù hợp. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng rủi ro.

Nghị quyết của Quốc hội giao cho các Bộ trưởng: Công thương, Xây dựng, Y tế, Thống đốc NHNN 22 nhóm nhiệm vụ. Trong sáu tháng qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo. Các bộ và địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện...

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) gửi tới Bộ trưởng Cao Ðức Phát băn khoăn, lo lắng về những khó khăn, trở ngại không nhỏ của ngành chăn nuôi hiện nay khi mà giá thành thức ăn tăng cao, gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp... Cùng với đó là đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn do sản phẩm không có thị trường tiêu thụ. Một trong những vấn đề "nóng" khác được đại biểu này quan tâm là tình trạng lâm tặc phá rừng ở nhiều nơi trong cả nước nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời...

Trả lời những nội dung nêu trên, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết: Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt nhiều biện pháp nhằm góp phần giảm khó khăn cho ngành chăn nuôi và người nông dân. Trong đó, đáng chú ý là quyết liệt giám sát phòng, chống dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng; tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn gia súc, gia cầm, con giống... Các cơ quan chức năng của Bộ đang triển khai rà soát, cơ cấu lại vùng chăn nuôi để bảo đảm phù hợp từng vùng và điều kiện sản xuất của nông dân. Về nạn phá rừng, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, Bộ và các địa phương, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên nạn phá rừng đang diễn ra gay gắt, phức tạp.  Hiện nay và trong thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống phá rừng; tiếp tục xử lý các cán bộ kiểm lâm có hành vi vi phạm  pháp luật bảo vệ rừng... Tuy nhiên, bảo vệ rừng là công việc đang gặp nhiều khó khăn vì vậy  rất cần có sự quyết tâm, phối hợp của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và một số đại biểu khác về những bất cập hiện nay trong việc mua lúa tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ và người nông dân có lợi gì trong việc Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua lúa tạm trữ, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, khuyến khích nông dân liên kết với doanh nghiệp trong thu mua nông sản trong đó có lúa gạo là chủ trương đúng. Tuy nhiên, thời gian qua kết quả đạt được không nhiều, tồn tại lớn nhất do cơ chế xử lý các vi phạm và một số quy định không phù hợp với thực tế. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm giải quyết những bất cập đó. Chính phủ sẽ  tiếp tục nghiên cứu các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nhằm tạo thuận lợi cho nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Về việc mua tạm trữ lúa theo Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Cao Ðức Phát nêu rõ, việc mua tạm trữ là biện pháp hỗ trợ thị trường vào lúc thu hoạch rộ nhất, chứ không phải là bao tiêu nông sản cho nông dân. Vì vậy, có lúc, có nơi không phù hợp với một số địa phương do thời điểm thu hoạch khác nhau. Cũng theo Bộ trưởng Cao Ðức Phát, lợi ích của việc hỗ trợ lãi suất trong mua tạm trữ lúa thuộc về doanh nghiệp, nhưng người nông dân cũng được lợi do giá lúa tăng lên và thực tế khi Chính phủ triển khai hỗ trợ lãi suất, giá lúa đã tăng lên.

Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về việc người trồng lúa có đạt được mức lãi 30% trong tổng giá thành sản phẩm hay không, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hiện tại hơn 4 nghìn đồng/ kg, nếu muốn có lãi 30% thì giá lúa phải hơn 5 nghìn/kg. Như vậy, bà con nông dân chưa đạt được mức lãi như mong muốn. Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp hướng tới xuất khẩu nhiều hơn với giá cao hơn để tăng thu nhập cho người nông dân và đây sẽ là giải pháp căn cơ. Về câu hỏi của một số đại biểu liên quan công tác giải quyết việc làm cho những người mất việc làm ở thành phố trở về nông thôn, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo nhiều hướng với những sản phẩm nông nghiệp mà thị trường có nhu cầu cao như ngô, đỗ tương. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh xúc tiến Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến ngành mình quản lý. Liên quan đến kiểm định chất lượng phân bón, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, việc phân bón đưa đi kiểm định và xác định phân bón đạt chất lượng, nhưng khi đưa ra thị trường không đạt chất lượng, nguyên nhân có thể do doanh nghiệp mang sản phẩm đạt chất lượng đi đăng ký và kiểm định nhưng khi sản xuất lại không đạt chất lượng và mang số phân bón này ra thị trường tiêu thụ. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường công tác thanh tra đối với lĩnh vực này và tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi làm hàng giả, kém chất lượng, trong đó có phân bón. Liên quan đến hiện tượng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, kết quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân do khung pháp lý liên quan đến sản xuất phân bón, nhất là phân bón vô cơ, có sự bất cập. Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định về vấn đề này như cơ chế kiểm tra kiểm định và chế tài xử lý để tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón.

Hạn chế tối đa lấy đất rừng làm thủy điện

Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Văn Vở (Ðồng Nai) đặt câu hỏi, vai trò của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng rất quan trọng, nhưng trong những năm gần đây, hơn 20 nghìn ha rừng được chuyển đổi mục đích phục vụ xây dựng thủy điện và đến nay mới trồng lại được rất ít và tỷ lệ cây sống không cao. Vì sao có tình trạng trên. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng xử lý tác hại đến môi trường khi triển khai dự án thủy điện Ðồng Nai 6, Ðồng Nai 6A.

Bộ trưởng Cao Ðức Phát thừa nhận, đúng là thời gian qua, các doanh nghiệp trồng lại rừng tại các dự án thủy điện chưa tốt, chưa nghiêm túc. Nguyên nhân có phần do khó khăn trong bố trí đất để doanh nghiệp trồng lại rừng. Bộ đã đề nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp gặp khó khăn về đất nộp tiền để phân bổ cho các địa phương khác có đất trồng lại rừng, bảo đảm đủ diện tích đã lấy để phục vụ các dự án thủy điện. Quan điểm của Bộ là hạn chế lấy rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để làm thủy điện. Trường hợp thật cần thiết phải lấy rừng phải thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật về trồng lại rừng. Ðối với dự án thủy điện Ðồng Nai 6, Ðồng Nai 6A, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, đã kiểm tra tại hiện trường đối với các dự án này. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá tác động môi trường đối với các công trình này. Sau khi có kết quả sẽ xin ý kiến của Chính phủ và của QH xem có tiếp tục triển khai hay không.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)