Tập trung giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn
Mở đầu phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng LÐ, TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Ly Kiều Vân (Quảng Trị) và một số đại biểu khác về việc triển khai, thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, theo hướng phát triển bền vững thời gian qua. Ðại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ hơn thực trạng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, giữa các tầng lớp nhân dân ở thành thị và nông thôn. Về phần mình, Bộ trưởng LÐ, TB và XH nêu rõ: Ðể giải quyết tốt những vấn đề đặt ra, hiện nay cần tích cực thực hiện những giải pháp đã có. Cụ thể, Chính phủ đã bố trí mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ, thông qua các chương trình hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng. Bộ LÐ, TB và XH đã tham mưu đề xuất với Chính phủ đồng ý bổ sung 23 huyện mức độ khó khăn gần như 62 huyện nghèo để được hỗ trợ về đầu tư hạ tầng. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhằm nâng cấp hạ tầng cơ sở ở các địa phương nghèo, giúp bà con cải thiện cuộc sống.
Trả lời câu hỏi: Về giải pháp gì để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, nông thôn, thành thị, đặc biệt ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ?, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, ngành đang xem xét lại những chính sách đối với bà con ở từng vùng cụ thể để có chính sách cụ thể, phù hợp thực tế và mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, phải quan tâm đầu tư hỗ trợ để con em của đồng bào vùng này được học tập cao hơn, mở rộng kiến thức; đồng thời, cần có những chính sách ưu tiên đặc thù về hỗ trợ tạo việc làm, chính sách vay vốn phát triển sản xuất.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng LÐ, TB và XH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Bộ trưởng LÐ, TB và XH đã trình bày trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước về những vấn đề rất bức xúc của các đại biểu QH, cử tri tại diễn đàn QH. Sau phiên họp này, công tác lao động, thương binh, xã hội nói chung và những vấn đề QH tiến hành chất vấn tại Hội trường cần được thúc đẩy thêm một bước, được thực hiện một cách có hiệu quả hơn. Thời gian tới, đề nghị Bộ trưởng đặc biệt quan tâm hơn những nội dung quan trọng được đông đảo đại biểu chất vấn, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Nâng cao chất lượng trong hoạt động tư pháp
Nhiều đại biểu QH đặt câu hỏi đối với Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng của ngành kiểm sát nhân dân.
Ðại biểu Ðỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) và một số đại biểu đặt vấn đề, vì sao trong thời gian qua, nhiều ý kiến trong quần chúng nhân dân và dư luận cho rằng, việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt, kể từ khâu điều tra, kiểm sát, xét xử. Tỷ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều. Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết 37 ngày 23-11-2012 của QH đã khẳng định những đóng góp quan trọng và hiệu quả của các cơ quan tư pháp, bao gồm công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án trong việc bảo vệ pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân dân, duy trì kỷ cương, kỷ luật. Về án kinh tế và án tham nhũng, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến thời điểm này, số lượng xử án treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác trung bình 21%. Viện trưởng cho rằng: Ðối với những vụ án kinh tế, khi đã khắc phục hậu quả, khi đã bị phạt, khi đã bị tịch thu tiền, tài sản, hàng hóa thì yêu cầu đặt ra về hình phạt tù đối với án kinh tế cũng không phải cao. Ðiều này cũng trở thành định hướng khi chúng ta sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự sau khi Hiến pháp được thông qua. Tất cả các vụ án mà xử án treo đều đã vận dụng đúng pháp luật. Trong thời gian tới, ngành sẽ kiểm sát chặt chẽ quá trình xây dựng các cáo trạng có đề xuất án treo. Theo đó, sẽ yêu cầu đối với vụ án tham nhũng do cấp dưới đề xuất án treo, phải trình lên cấp trên để kiểm tra.
Chung quanh ý kiến của đại biểu về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân trong bộ máy nhà nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết, đã hoàn thành đề án chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân thành Viện Công tố, qua đó đã nghiên cứu rất nghiêm túc, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm thế giới. Kết luận của đề án là không chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân thành Viện Công tố mà giữ nguyên mô hình Viện Kiểm sát như hiện nay, là một chế định độc lập do QH bầu, thực hiện hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Ðề cập những giải pháp của ngành nhằm thực hiện tốt quá trình cải cách tư pháp trong những năm tới, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, vấn đề xây dựng đội ngũ mạnh là giải pháp quan tâm hàng đầu. Theo đó, đội ngũ cán bộ phải tinh thông về nghiệp vụ, chuyên môn. Sự ra đời của Trường đại học Kiểm sát trong tương lai sẽ từng bước khắc phục được khó khăn của ngành về nhân lực và đây được xem là giải pháp căn cơ để đáp ứng các yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian tới, ngành cũng sẽ tăng cường các giải pháp đào tạo tại chỗ, đào tạo thông qua thực tế, thông qua các vụ án cụ thể, kể cả lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính.
Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang và Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã tham gia trả lời bổ sung những vấn đề, nội dung được các đại biểu QH chất vấn Viện trưởng VKSNDTC có liên quan lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu QH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo và giải trình thêm một số vấn đề mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Báo cáo cho biết: Tại Kỳ họp này, đã có 74 đại biểu Quốc hội gửi 160 phiếu chất vấn với 241 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Chính phủ trân trọng và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến trí tuệ, tâm huyết và có trách nhiệm cao của các vị đại biểu QH, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước nêu trong Báo cáo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng như được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các câu hỏi chất vấn đã và đang được các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu QH.
Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm nay, Phó Thủ tướng nêu rõ: Kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; năm tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong bốn năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; dư nợ tín dụng chuyển dịch theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn, thách thức như báo cáo của Chính phủ và ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách, nhất là về tài khóa - tiền tệ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã đề ra.
Về tín dụng, xử lý nợ xấu, Chính phủ đã triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, thực thi các chương trình hỗ trợ nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà-phê, cá tra, tôm...). Ðiều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng đã vay. Tháo gỡ khó khăn, hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thị trường, cho vay tiêu dùng cá nhân, kích thích sức mua, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hằng tháng sẽ có thêm khoảng 40 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Thống nhất với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, thị trường là yếu tố quan trọng, quyết định sự sống còn đối với doanh nghiệp. Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp: xử lý nợ xấu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, đẩy mạnh cho vay kích thích sức mua, mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho. Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện mạng lưới phân phối, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, xi-măng...
Về các vấn đề xã hội, thời gian qua, mặc dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng Chính phủ đã rất quan tâm thực hiện các chính sách xã hội. Ðối với giảm nghèo, luôn ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư còn lớn. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; lồng ghép mục tiêu giảm nghèo vào các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan, các chính sách hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Về giải quyết việc làm, trong điều kiện kinh tế khó khăn, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, một bộ phận người lao động còn thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định; nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm; thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, kết nối cung - cầu còn hạn chế; xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý lao động xuất khẩu còn những bất cập. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhất là đào tạo đại học.
Quyết tâm tái cơ cấu Vinashin, Vinalines
Ðối với câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về kết quả tái cơ cấu tại Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay, Tập đoàn đã có sự ổn định hơn, có phương án kinh doanh, tiếp tục nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động. Trong ba năm thực hiện tái cơ cấu, Vinashin đã có kế hoạch bàn giao 170 con tàu lớn, trong đó xuất khẩu được 66 tàu. Về tái cơ cấu nợ, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng trong nước giãn nợ cho Vinashin. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên việc tái cơ cấu còn chậm. Phó Thủ tướng cho biết, tái cơ cấu Vinashin là phương án có lợi hơn so với phương án cho phá sản tập đoàn này. Vì Việt Nam là quốc gia có chủ trương phát triển kinh tế biển, Vinashin là Tập đoàn 100% vốn nhà nước; bên cạnh đó, cần tiếp tục ổn định cuộc sống cho hàng nghìn người lao động.
Ðối với Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết, doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2012 đạt 21.200 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 670 tỷ đồng. Năm 2013, Vinalines đã thực hiện xong thoái vốn tại 16 doanh nghiệp, cổ phần hóa bốn doanh nghiệp, hoàn thành phương án tái cơ cấu. Về tái cơ cấu nợ, Vinalines đã bán được một số tàu cũ và trình Chính phủ ban hành Ðiều lệ hoạt động doanh nghiệp. Quá trình tái cơ cấu tại Vinalines có xu hướng mạnh mẽ hơn nhưng vẫn còn khó khăn. Ðây là vấn đề rất lớn và Chính phủ quyết tâm thực hiện có hiệu quả tốt.
Nâng cao chất lượng công chức, viên chức
Ðại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và một số đại biểu khác nêu lên thực trạng còn nhiều bất cập về hiệu quả cải cách hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước và những băn khoăn, trăn trở về những yếu kém trong hoạt động của bộ máy công chức, viên chức hiện nay. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Mặc dù có rất nhiều cố gắng, nỗ lực và quyết tâm nhưng quá trình cải cách hành chính của nước ta hiện còn rất nhiều bất cập và hạn chế. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có hai giải pháp trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; nhất là Ðề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan quản lý dân cư, giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 896/QÐ-TTg, ngày 8-6-2013. Ðây là đề án quan trọng cần tập trung thực hiện có hiệu quả cao trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cửa quyền, nhũng nhiễu, vô cảm trước những bức xúc, những vấn đề thiết thân của người dân. Chính phủ đã có nhiều giải pháp để khắc phục thực trạng này, trong đó cần tập trung thực hiện tốt việc thi hành Luật Công chức, viên chức trong thực tế cuộc sống. Công khai các thủ tục hành chính để người dân nắm được. Nâng cao trách nhiệm công vụ của các công chức, từng người phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công việc hằng ngày. Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với thái độ, hiệu quả làm việc của công chức tại cơ quan, đơn vị và địa phương mình. Các cơ quan, đơn vị cần kỷ luật nghiêm những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, gây bức xúc trong nhân dân. Phó Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa các pháp luật liên quan hoạt động của cán bộ, công chức, quy định rõ trách nhiệm của từng người, lấy tiêu chí hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xem xét xây dựng dự án Luật Trọng dụng nhân tài, trong khi đang xem xét Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định về vấn đề trọng dụng nhân tài, nhằm thu hút người có tài, có đức phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm
Ðại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu câu hỏi, liệu có tình trạng bảo kê đối với các loại tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" không và biện pháp giải quyết như thế nào? Trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý kinh doanh xăng dầu và biện pháp xử lý đối với nhiều vụ rút ruột, pha chế xăng rởm và những vụ cháy nổ tại một số trạm xăng? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nguyên nhân để xảy ra một số băng nhóm tội phạm hoạt động thời gian qua do các cấp, các ngành chưa quán triệt đầy đủ chỉ đạo của T.Ư về phòng, chống tội phạm. Giải pháp quan trọng là các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc Chỉ thị của T.Ư về phòng, chống tội phạm. Cả hệ thống chính trị và nhân dân phải vào cuộc, phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an và chính quyền các địa phương; đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Ðề cập công tác xử lý tình trạng rút ruột xăng dầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần đề cao cảnh giác, tăng cường kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ðồng thời, đề nghị người dân và các cơ quan báo chí khi phát hiện cần thông báo cho cơ quan chức năng xử lý hiện tượng này. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sắp tới sẽ xem xét lại quy hoạch hệ thống các trạm xăng dầu, bảo đảm an toàn cho người dân.
Tham gia trả lời chất vấn về hiệu quả của hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ theo đề nghị của một số đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hai dự án này được Bộ Chính trị rất quan tâm và chỉ đạo ngay từ giai đoạn đầu và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành bảo đảm về môi trường, về hiệu quả và công nghệ. Bộ Công thương đã đánh giá rất kỹ về hiệu quả của hai dự án này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thị trường thế giới giá nhôm giảm đã tác động đến hiệu quả của dự án, nhưng hai dự án vẫn bảo đảm hiệu quả dù thời gian thu hồi vốn kéo dài hơn dự kiến.
Phát biểu ý kiến kết luận toàn bộ phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, sau hai ngày rưỡi tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ và Viện Trưởng VKSNDTC, QH đánh giá cao và hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ðối với ngành nông nghiệp, QH yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới tiến hành các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về lượng và chất với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững. Thúc đẩy công nghiệp hóa và đưa khoa học - công nghệ vào nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Kiên quyết chống hiện tượng vi phạm pháp luật trong lưu thông sản phẩm nông nghiệp, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bảo đảm công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là có chính sách bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và bảo đảm đời sống người dân phải di dời phục vụ các dự án thủy điện.
Ðối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, QH đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các chương trình nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chống các biểu hiện suy thoái về văn hóa, về đạo đức trong xã hội. Ðẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Khắc phục những bất cập trong hoạt động du lịch, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch, để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế. Bên cạnh đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng, chú trọng đến thể thao thành tích cao, chống các tiêu cực trong ngành thể thao.
Ðối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, QH đề nghị đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tăng cường đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và có biện pháp quản lý và bảo vệ người lao động ở nước ngoài. Thực hiện các chương trình giảm nghèo có hiệu quả và giảm dần khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Ðối với ngành Kiểm sát Nhân dân, QH đề nghị thực hiện tốt hơn nữa chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm hoạt động tư pháp hiệu quả tuân thủ pháp luật. Ði cùng với đó là kiện toàn đội ngũ cán bộ bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng chức năng nhiệm vụ.