Hoàn thiện cơ chế
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm 5 chương, 76 điều. Dự án luật được xây dựng nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; hoàn thiện thêm cơ chế phát hiện và đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm toán nội bộ, kiểm soát chi trong các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật...
Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng qua 7 năm thực hiện, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, Luật đã bộc lộ một số hạn chế. Việc ban hành dự án luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) là khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá dự thảo luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã được hoàn thiện một bước, tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Cơ quan thẩm tra, bổ sung một số nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật, theo đó Luật tập trung điều chỉnh, làm nổi bật vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân không thuộc sở hữu toàn dân thì chỉ quy định các trường hợp có tác động lớn đến nguồn lực xã hội như ma chay, cưới xin, lễ hội...
Các nguồn lực khác cần có quy định để bảo đảm tính toàn diện nhưng chỉ mang tính định hướng, khuyến khích và khuyến cáo, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm trong nhân dân, nhằm bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu của các chủ thể.
Tăng cường trách nhiệm giám sát
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thời gian qua Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án.
Công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nề nếp, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, các đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề, tình trạng chậm tiến độ ban hành các văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành luật diễn ra trong thời gian dài vẫn chưa được khắc phục.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) dẫn chứng theo Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, trong số 13 luật mới có hiệu lực trong 6 tháng đầu năm 2013, 8 luật chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Đây là khuyết điểm không mới nhưng biện pháp xử lý mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, đại biểu Hùng nói.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, khi thông qua luật, Quốc hội phải có trách nhiệm đối với những vấn đề Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ hướng dẫn thi hành. Những cơ quan được phân công thẩm tra các dự án luật phải có trách nhiệm trước Quốc hội trong việc giám sát, hướng dẫn thi hành luật.
"Quốc hội không được coi việc biểu quyết thông qua luật là xong nhiệm vụ. Quốc hội chỉ hoàn thành công việc xây dựng một luật nào đó khi luật đó thực sự đi vào cuộc sống," đại biểu Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trình, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh cần tập trung đầu tư, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm tiến độ trình và chất lượng của từng dự án.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), xét về mặt chất lượng thì trước hết các văn bản luật phải bảo đảm tính mẫu mực, hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị không nên quá coi trọng số lượng mà coi nhẹ chất lượng các dự án luật. Cần giảm bớt số lượng các dự án luật; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, bổ sung, chỉnh lý. Đồng thời, Quốc hội cần dành thời gian thỏa đáng tại các Kỳ họp cho công tác xây dựng pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần siết chặt kỷ cương trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, quyết liệt hơn nữa việc tổ chức thực hiện để từng bước nâng cao chất lượng công tác này.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng những tồn tại trong việc xây dựng pháp luật thời gian qua không thể phủ nhận trách nhiệm chính thuộc về Quốc hội. Vì vậy, Quốc hội cần đề ra các giải pháp giúp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ cả về nhân lực, cơ chế, hành lang cơ sở pháp lý...
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chịu trách nhiệm đến cùng trong công việc này, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện giải trình, tiếp thu, hoàn chỉnh từng dự án.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, các đại biểu cơ bản đồng tình với quan điểm trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ưu tiên đưa vào chương trình các dự án luật liên quan trực tiếp đến các nội dung của Hiến pháp 1992 sửa đổi sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được Quốc hội thông qua cuối năm 2013. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung dự án Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2014.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) phân tích nếu dự án luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đến năm 2015 mới được sửa đổi, đến tháng 6/2016 mới có hiệu lực, trong khi bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật đã diễn ra vào tháng 5/2016. Như vậy, sẽ gây khó khăn cho khâu chuẩn bị của chính quyền địa phương. Khẳng định việc xây dựng bộ máy chính quyền địa phương là rất hệ trọng, cần được khẩn trương tổng kết và sửa đổi luật, đại biểu Danh Út đề nghị Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2015) và có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2016.
Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng việc bổ sung Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 là yêu cầu cấp bách vì mô hình chính quyền địa phương của nước ta hiện nay được tổ chức thống nhất trên toàn quốc, tồn tại từ rất lâu, kể cả từ thời kỳ bao cấp, trong khi đó, rất nhiều vấn đề đã thay đổi, đòi hỏi nghiên cứu thành lập chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn. Càng để chậm vấn đề này, càng không có lợi, thậm chí kìm hãm sự phát triển...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến của các đại biểu về việc bổ sung dự án Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cùng với các dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)..., để bảo đảm cụ thể hóa Hiến pháp; đồng thời bảo đảm cho khóa mới của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân sau 2016 có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ.../.