Đảm bảo sự dân chủ trong chính quyền địa phương

05/06/2013

Nên hay không nên tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, phường, tổ chức mô hình chính quyền địa phương như thế nào cho hợp lý là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu thẳng thắn bày tỏ rõ quan điểm của mình.

Việc xây dựng chính quyền địa phương phải đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu, phải tổ chức làm sao để bảo đảm cao nhất quyền dân chủ, quyền giám sát của người dân đối với chính quyền và phù hợp với năng lực thực tiễn tại Việt Nam là quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đại biểu cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đề xuất mô hình chính quyền đô thị và không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở cấp huyện hay cấp phường là xuất phát cao nhất từ lợi ích của nhân dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đề xuất mô hình chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở tổng kết của hàng chục năm qua về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân ở địa phương này.

Đại biểu cho biết người dân Thành phố Hồ Chí Minh rất ủng hộ việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường bởi đồng thời với thực hiện chủ trương đó, địa phương này phải cải cách hành chính, làm cho dịch vụ hành chính, dịch vụ công nhanh nhạy, thuận lợi hơn cho người dân; quyền lợi, quyền dân chủ của người dân được bảo đảm; hợp lý hóa việc quản lý nhà nước, đặc biệt là đỡ tốn kém hơn khi tổ chức Hội đồng Nhân dân.

Góp ý vào việc sửa đổi mô hình chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng Hiến pháp không nên quy định quá cụ thể, để sau này khi cần điều chỉnh sẽ không phải sửa Hiến pháp.

Đại biểu đề nghị cần đặc biệt lưu ý nhược điểm của chính quyền địa phương suốt mấy chục năm qua là bệnh bình quân chủ nghĩa và dàn trải như một cái áo mặc cho tất cả các vùng miền và do đó hiệu quả quản lý nhà nước không cao.

Đại biểu cho rằng, cần bảo đảm sự nhất quán của bộ máy chính quyền, bộ máy quản lý nhà nước trên toàn quốc nhưng đồng thời cũng phải có sự thích hợp giữa cái đa dạng và cái đặc thù.

Mọi sự sửa đổi phải đặt lợi ích nhân dân lên cao, nhưng lợi ích này phải là lợi ích cụ thể chứ không phải là lợi ích tuyên bố. Sửa đổi mô hình chính quyền địa phương phải bảo đảm nhân dân được giám sát chặt chẽ một cách kịp thời hơn - đại biểu nhấn mạnh.

Đã từng dành nhiều thời gian nghiên cứu, làm chủ nhiệm đề tài khoa học là nhánh của một đề tài độc lập cấp nhà nước về vấn đề chính quyền địa phương, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng lý do quan trọng đầu tiên của nhu cầu cấp thiết sửa đổi Hiến pháp lần này chính là liên quan đến vấn đề chính quyền địa phương.

Đại biểu nhìn nhận, những ý kiến đề nghị thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường trên toàn quốc vì nó là hình thức thực ra cũng đúng, vì hiện nay ta chưa có một cơ chế đúng mức, chưa có sự quan tâm đúng mức từ con người cho đến kinh phí và phương thức hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp này.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Hội đồng Nhân dân do dân trực tiếp bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân, thực hiện quyền giám sát, quyền dân chủ đại diện. Nếu không tổ chức Hội đồng Nhân dân thì vai trò đại diện thực hiện quyền đó ở ngay tại địa phương là không có. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu bởi chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố đến nay vẫn chưa tổng kết, có nơi ủng hộ, nơi không ủng hộ.

Đồng tình với các quan điểm ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó có Hội đồng Nhân dân, đại biểu Đinh Xuân Thảo đề xuất chính quyền đô thị chỉ nên có 2 cấp là cấp thành phố và cấp thứ hai có thể là như cấp quận hoặc như cấp phường; chính quyền nông thôn cần phải có 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Như vậy, ở đô thị sẽ có 2 cấp Hội đồng Nhân dân và ở nông thôn có 3 cấp Hội đồng Nhân dân./.

 

Chu Thanh Vân (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)