Chưa nên thành lập Hội đồng Hiến pháp

05/06/2013

Khi chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để thành lập Hội đồng Hiến pháp thì nên tiếp tục nghiên cứu.

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là không phù hợp với mô hình quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thể chế chính trị nhất nguyên của Việt Nam. Thực tế cho thấy, thiết chế này chủ yếu phát huy hiệu quả trong các thể chế đa nguyên nhằm thực hiện việc kiềm chế, đối trọng giữa các nhóm quyền lực.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, hiện chưa nên thành lập Hội đồng Hiến pháp vì chưa định vị được vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trong các mối quan hệ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Mối quan hệ với chức năng giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban Pháp luật; Mối quan hệ với chức năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Mối quan hệ với chức năng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi còn cho rằng, dự kiến về địa vị pháp lý, quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không chỉ thiếu hiệu quả mà còn dẫn tới sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và làm tăng thêm bộ máy quản lý Nhà nước. Vì vậy, khi chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tạo nên sự thuyết phục về cơ quan Hội đồng Hiến pháp thì nên tiếp tục nghiên cứu, chưa nên điều chỉnh trong Hiến pháp.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Hà Văn Khoát (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, như dự thảo thì Hội đồng Hiến pháp chỉ giới hạn ở chức năng kiểm tra và kiến nghị về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, không có chức năng phán quyết, nên việc có Hội đồng Hiến pháp sẽ chỉ làm phát sinh thêm về tổ chức, chồng chéo về nhiệm vụ, không cần thiết.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) nêu ý kiến: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập nhưng không đặt trong Chương Quốc hội mà đặt trong Chương khác, quy định về những thiết chế độc lập như Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Điều này là chưa phù hợp.

Nếu coi Hội đồng Hiến pháp là cơ quan độc lập thì Hiến pháp chính là chủ thể thành lập ra. Về nội dung Bảo vệ Hiến pháp, dự thảo chỉ quy định Hội đồng Hiến pháp xem xét tính hợp hiến đối với văn bản vi phạm pháp luật, cùng vài chủ thể nhất định cũng như tính hợp hiến đối với luật văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi một số chủ thể khác như Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia, và chính quyền địa phương, chưa xem xét tính hợp hiến đối với hành vi vi hiến của văn bản pháp luật khác. Chưa quy định thẩm quyền giải thích Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Hội đồng Hiến pháp.

Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, dự thảo cần được xem xét, bổ sung theo hướng, Hội đồng Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể có thẩm quyền ban hành, thực hiện giải thích Hiến pháp, xem xét các giải quyết khiếu nại và hành vi vi phạm hiến pháp trên cơ sở yêu cầu của chủ thể nhất định.

Do cách thức thẩm quyền giải quyết, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa chỉ ra được thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp trong việc phân biệt, giải quyết, giám sát trước khi văn bản chưa ban hành và giám sát sau khi văn bản ban hành. Mức độ giải quyết chưa triệt để, chưa tương xứng với địa vị của một cơ quan hiến định.

Mặt khác dự thảo cũng chưa chỉ ra được cơ chế giải quyết cuối cùng và xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Vì vậy, trong dự thảo cần phải hoàn thiện theo hướng phân rõ 2 cơ chế xử lý những văn bản đang xây dựng và văn bản có hiệu lực.

Ngoài ra, trong dự thảo phải đề cập đến tăng quyền lực của Hội đồng Hiến pháp thông qua việc quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết kiến nghị của Hội đồng Hiến pháp./.

 

Bích Lan/VOV online

(http://vov.vn/)