Giữ vững mục tiêu xây dựng chế độ XHCN
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đa số ý kiến các đại biểu QH đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước, đến nay đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp nguyện vọng của nhân dân cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.
Góp ý kiến về tên nước quy định trong (Ðiều 1 - Chương 1) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đa số các ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Theo các đại biểu: Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ðặng Ngọc Tùng (Ðồng Nai), Y Khutnie (Ðác Lắc), Chu Sơn Hà (Hà Nội) cùng một số đại biểu khác, tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp. Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước đi lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về Quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Về các quy định liên quan tổ chức bộ máy Nhà nước trong Dự thảo, nhiều ý kiến phát biểu tán thành với việc tiếp tục quy định: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nhằm thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân, phù hợp với tính chất và nguyên tắc tổ chức của Nhà nước. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đại biểu Phạm Xuân Trường (Thái Bình), nên quy định QH là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp và thực hiện chức năng công tố, Tòa án thực hiện chức năng tư pháp. Cũng theo đại biểu này, cần có quy định cụ thể để ba cơ quan kiểm sát, kiểm toán và thanh tra hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ðề cập các quy định liên quan chính quyền địa phương, nhiều đại biểu tán thành quy định trong Dự thảo. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định đơn vị hành chính đặc biệt và đơn vị hành chính hải đảo. Theo các đại biểu Ðỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), Ðặng Ðình Luyến (Khánh Hòa), trong xu thế phát triển chung, kinh tế biển có vai trò rất quan trọng, do vậy việc bổ sung quy định đơn vị hành chính hải đảo là cần thiết, góp phần tạo điều kiện quản lý và phát triển kinh tế - xã hội tại những vùng này tốt hơn.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng
Nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội (Ðiều 4). Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết. Các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), Phạm Hồng Dương (Hải Dương) và nhiều đại biểu khác nêu rõ: Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và phát triển đất nước đã được khẳng định cả về lý luận cũng như thực tiễn. Ngay từ khi ra đời, từ hoạt động bí mật đến công khai, từ khi chưa có chính quyền đến khi có chính quyền, Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng chính trị duy nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước. Việc nhân dân ta tin tưởng vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và được quy định trong Hiến pháp là đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam. Quy định về Ðảng trong Hiến pháp nhằm khẳng định tính chính đáng của Ðảng trong việc lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do vậy, những quy định về Ðảng như trong Dự thảo là cần thiết và hoàn toàn phù hợp nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Bên cạnh đó, các đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) và một số đại biểu khác cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng cần bổ sung thêm quy định Ðảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của mình. Ðại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) đề nghị, để giữ vững bản chất, vai trò lãnh đạo của Ðảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vừa tăng thêm uy tín của Ðảng đối với nhân dân, với xã hội, Ðiều 4 của Hiến pháp cần bổ sung chế định kiểm soát, rà soát các tổ chức Ðảng và đảng viên, để các tổ chức Ðảng và từng đảng viên không chủ quan, không có các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, coi thường pháp luật. Bên cạnh trách nhiệm đối với Ðảng, tổ chức Ðảng, từng đảng viên phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Tiếp tục quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Ðóng góp ý kiến vào tính chất của nền kinh tế Việt Nam, đa số ý kiến phát biểu tán thành quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Các đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An), Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) và một số đại biểu nhất trí theo phương án hai. Trong đó, xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tính chất định hướng XHCN của nền kinh tế Việt Nam bảo đảm mọi thành viên trong xã hội sẽ được hưởng thụ một cách công bằng hơn và tốt hơn các giá trị cũng như lợi ích của sự phát triển kinh tế. Ðịnh hướng XHCN của nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả, khiếm khuyết của kinh tế thị trường cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và bền vững. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Văn Tân (Hà Nam), Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) và nhiều đại biểu khác nhất trí với phương án ba và đề nghị, Hiến pháp cần có quy định để làm rõ tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và quy định rõ thêm về tự do sở hữu, tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh vì đó là những điều kiện của nền kinh tế thị trường.
Ðề cập các quy định liên quan sở hữu và quản lý đất đai, đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm "sở hữu toàn dân" và không quy định đa sở hữu về đất đai. Nhiều đại biểu đề nghị, Dự thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế giao đất, thu hồi đất tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện. Theo đại biểu Phạm Xuân Trường (Thái Bình), cần có quy định rõ giữa việc thu hồi đất phục vụ an ninh - quốc phòng với các dự án phát triển kinh tế - xã hội và được thực hiện đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, các trường hợp thu hồi đất đều phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) đề nghị, Dự thảo cần bổ sung quy định, Nhà nước bảo đảm đất ở và đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Liên quan đến các quy định của Hiến pháp về vai trò của tổ chức Công đoàn (Ðiều 10), nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy là cần thiết và đầy đủ. Ðại biểu Ðặng Ngọc Tùng (Ðồng Nai) và một số đại biểu khác cho rằng, trong các bản Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đều có một điều riêng về công đoàn. Nhiều nước trên thế giới cũng có những quy định riêng về công đoàn. Vì vậy, việc Hiến pháp quy định một điều riêng về công đoàn là phù hợp với xu thế tiến bộ trên thế giới và hội nhập. Bên cạnh đó, hiện nay việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân và người lao động càng được đặt ra là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết.
Góp ý về các nội dung liên quan đến việc thành lập Hội đồng Hiến pháp, một số ý kiến cho rằng, thành lập Hội đồng Hiến pháp là cần thiết và do QH bầu ra. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể nhằm bảo đảm Hội đồng này hoạt động hiệu quả và đúng mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị, không nhất thiết phải thành lập Hội đồng Hiến pháp, mà duy trì cơ chế bảo hiến hiện hành. Bởi vì, việc bổ sung thiết chế mới này trong khi chưa rõ vị trí, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp với các cơ quan khác dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cồng kềnh bộ máy, không đạt hiệu quả.