HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN AIPACODD 4: VIỆT NAM TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ

02/06/2021

Tham dự Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy AIPACODD 4 với chủ đề “Vượt qua những thử thách đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy” vừa qua, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã có báo cáo quốc gia về công tác hợp tác quốc tế phòng, chống ma tuý.

 

Hội nghị trực tuyến về ma túy AIPACODD 4

Tham dự Hội nghị trực tuyến AIPACODD 4 có đại biểu 10 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự và Chương trình làm việc; đồng thời nghe Báo cáo của Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm; Báo cáo của ASEAN về ma túy; Báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến, đại diện Đoàn Việt Nam cho biết về công tác hợp tác quốc tế phòng, chống ma tuý.

Về công tác hợp tác quốc tế phòng, chống ma tuý, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã chủ động, tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, trao đổi thông tin về tình hình tội phạm ma tuý thông qua các cơ chế sẵn có, đặc biệt là phát huy tối đa mạng lưới đường dây nóng với các nước, đối tác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực trong việc tăng cường hợp tác về phòng, chống ma tuý với các nước, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, các nước đã ký kết hiệp định, thoả thuận hợp tác, các cơ quan, tổ chức quốc tế góp phần tăng cường sự gắn kết, phát huy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật.

Đối với việc tăng cường hợp tác đa phương về phòng, chống ma tuý, năm 2020, Việt Nam đã triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong các khuôn khổ CND, MOU , ASEAN ... thể hiện vai trò là Chủ tịch đương nhiệm ASEAN về vấn đề ma túy 2018 - 2020 của Việt Nam trên các diễn đàn về phòng, chống ma túy. Trong khuôn khổ CND, Việt Nam đã tham gia đầy đủ ba phiên tham vấn giữa kỳ của CND vào ngày 25-26/6/2020, ngày 24-25/8/2020, ngày 19-21/10/2020 nhằm thảo luận các tác động của việc thông qua và áp dụng các khuyến nghị của WHO đối với cần sa và các chiết xuất từ cần sa và phiên họp giữa kỳ của CND được tổ chức vào tháng 12/2020.

Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị

Tại các phiên họp, Việt Nam đã trình bày về những tác động tiêu cực của ma túy, khẳng định quan điểm phản đối nới lỏng kiểm soát và hợp pháp hóa một số chất ma túy và chất hướng thần đồng thời để một số nước chưa có quan điểm rõ ràng về cần sa nắm được thực trạng sản xuất, mua bán, sử dụng và các tác động tiêu cực của cần sa đối với kinh tế, xã hội.

Đối với việc hợp tác tiểu vùng sông Mê Công, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng cho biết, Bộ Công an với chức năng thường trực Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm Việt Nam đã tham mưu cho Chính phủ Việt Nam phê duyệt và thông qua Kế hoạch hành động tiểu vùng (SAP) lần thứ 11 giai đoạn 2020-2021 và Tuyên bố chung Băng Cốc tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công (MOU1993). Việt Nam cũng đã cử đoàn đại biểu tham dự các cuộc họp trực tuyến cán bộ đầu mối MOU về Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 11 (SAP11) được tổ chức vào ngày 22/10/2020.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng tích cực tham gia khuôn khổ hợp tác Sáng kiến Sông Mê Công an toàn (SMCC) thông qua việc cử cán bộ làm việc tại các trung tâm SMCC đặt tại Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Lào. Việt Nam dự kiến sẽ chủ trì hoạt động của Trung tâm điều phối sông Mê Công an toàn (Trung tâm SMCC) vào quý I/2021. Trong việc hợp tác với UNODC, trong khuôn khổ Chương trình quản lý biên giới, Việt Nam đã phối hợp với UNODC khảo sát, nghiên cứu việc thành lập Văn phòng BL0 trên tuyến biên giới Việt Nam với các nước có chung đường biên giới: Lễ ra mắt BLO Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng ngày 20/7/2020; tổ chức chuyển thăm và học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho BLO Kiên Giang, An Giang và Tây Ninh tại Lào Cai từ ngày 28/9 - 02/10/2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị những người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật về ma tuý khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (HONLEA) trực tuyến từ ngày 01-02/10/2020 với 02 phiên họp: Phiên họp toàn thể giữa lãnh đạo các cơ quan phòng, chống ma túy trên thế giới; Phiên họp theo các khu vực.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã cử đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến về mạng lưới giám sát ma túy ASEAN lần thứ 9 trong khuôn khổ trung tâm thông tin hợp tác phòng chống ma túy vào ngày 24/9/2020; tham dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến ASEANAPOL về tội phạm mua bán ma túy trái phép trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 ngày 27/8/2020; tham dự Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) lần thứ 20 theo hình thức trực tuyến ngày 24/9/2020; tham dự Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma tuý lần thứ 41 theo hình thức trực tuyến vào ngày 01/12/2020.

Ngoài ra, Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng nêu rõ, bên cạnh việc tăng cường hợp tác đa phương về phòng, chống ma tuý, Việt Nam cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, các cơ quan, đối tác tài trợ tích cực cho công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý của Việt Nam./.

Hồ Hương