Ủy ban Kinh tế lấy ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối

07/03/2013

Ngày 6.3, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì tọa đàm.

Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về ngoại hối trong thời gian qua, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta có nhiều thay đổi trong thời gian qua nên Pháp lệnh hiện hành có một số điểm chưa phù hợp với điều kiện mới. Mặt khác, trong thời gian qua, các Luật Chứng khoán, Luật Quản lý nợ công, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước... đã được ban hành, với nhiều quy định mới liên quan đến quản lý ngoại hối. Do đó, Pháp lệnh Ngoại hối cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn điều chỉnh hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới chính sách quản lý ngoại hối trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cơ bản nhất trí với các quy định tại dự thảo Pháp lệnh và cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta thì nên coi ngoại hối là một tài nguyên quốc gia và cần được sử dụng tiết kiệm. Vì vậy, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo cáo, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Song, thực tế cũng cho thấy, trong đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp thì ngoài vốn góp, lợi nhuận chuyển về nước cũng phát sinh nhiều loại chi phí khác phục vụ hoạt động đầu tư. Do đó, một số ý kiến đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc quy định chi tiết hướng xử lý đối với từng loại dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ nước ta tại dự thảo Pháp lệnh này. Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành để tạo thuận lợi cho các ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong quá trình áp dụng pháp lệnh này. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp rà soát lại dự thảo Pháp lệnh để sử dụng đúng thuật ngữ chuyên ngành, hạn chế đưa quy định chung chung, viện dẫn, không chứa quy phạm điều chỉnh.

P. Thủy

(http://www.daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác