Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

06/03/2013

Ngày 4.3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội nghị toàn thể lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý về các quy định liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường được quy định tại Chương III về Kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hiến định khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường cần thể hiện rõ hơn vai trò của Nhà nước đối với định hướng phát triển khoa học, công nghệ. Thực hiện xã hội hóa các thành phần tham gia đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ. Điều 65, dự thảo quy định phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Cho rằng cần thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, các đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Điều 65 theo hướng Nhà nước thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tại Điều 67, khoản 2 để thể hiện chính sách xã hội hóa khoa học và công nghệ, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm cụm từ Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, để thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, một số ý kiến kiến nghị, nên bổ sung thêm khoản 4, Điều 67 quy định, Nhà nước tạo điều kiện thu hút nhân tài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Góp ý vào Điều 68 - đây là quy định mới trong dự thảo Hiến pháp năm 1992 lần này về bảo vệ môi trường - nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của xã hội trong bảo vệ môi trường, quy định tại khoản 1 nên bổ sung thêm cụm từ toàn xã hội để khẳng định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, toàn xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Đối với khoản 3, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại, có ý kiến đề nghị không nên chỉ dừng ở xử lý nghiêm, bồi thường thiệt hại mà cần bổ sung quy định xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, hệ thống pháp luật hiện hành đã có các văn bản luật về bảo vệ môi trường, trong đó có chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học.

Hoàng Ngọc

(http://www.daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác