Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Lương Ngọc Bính.
Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này, Quảng Bình đã tổ chức được hơn 330 hội nghị, hội thảo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thu hút hàng chục vạn người tham gia, trong đó có gần 500 ý kiến tham gia đóng góp xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng văn bản; đã có 4/7 huyện, thành phố và 27/48 cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh đã tập hợp xong ý kiến của nhân dân; một số cơ quan đã gửi báo cáo tổng hợp đến Sở Tư pháp để tổng hợp. Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh được tiến hành nghiêm túc với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương.
Qua lấy ý kiến của nhân dân cho thấy, về cơ bản, nhân dân Quảng Bình đồng tình, tán thành cao với các nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về một số nội dung cụ thể như Lời nói đầu, nhiều ý kiến đề nghị cần thể hiện khái quát và cô đọng hơn, tập trung nêu rõ sự cần thiết, nền tảng và cơ sở pháp lý của việc ban hành hiến pháp, lời cam kết của nhân dân Việt Nam về việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến pháp, duy trì kỷ cương, pháp luật nhằm bảo đảm mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Góp ý về Chương I - Chế độ chính trị, một số ý kiến đề nghị sửa Điều 2 - Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức thành Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cách thể hiện như vậy vừa khẳng định quyền và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật vừa nêu cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ mọi quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đều phải được QH quy định bằng Hiến pháp và luật, bổ sung quy định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khác ban hành văn bản quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân vì thực tế vừa qua đã có một số cơ quan ban hành các văn bản dưới luật quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trái với Hiến pháp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quảng Bình. Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng trong nhân dân để xây dựng được một bản Hiến pháp thực sự là kết tinh của trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Trưởng ban Phan Trung Lý đề nghị, Quảng Bình cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ hơn về các nội dung sửa đổi của dự thảo Hiến pháp, vì sao lại sửa đổi và tại sao lại lựa chọn phương án sửa đổi như dự thảo. Tiếp tục tổ chức tốt các hội nghị đóng góp ý kiến theo chuyên đề. Tiến hành tốt công tác tổng hợp, giải trình ý kiến của nhân dân về dự thảo theo đúng phương châm: tập hợp, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục và bảo đảm đúng tiến độ.