Gần 50 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các chuyên gia trong nước và các nước Đức, Australia đã tham dự hội thảo với gần 10 tham luận có giá trị được trao đổi, thảo luận.
Tại phiên khai mạc, ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp và gửi đến Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các Ban soạn thảo về các dự án Luật Tổ chức bộ máy nhà nước và các đại biểu Quốc hội làm tài liệu tham khảo.
Hội thảo đã đề cập đến thực tế việc thực hiện quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp của Việt Nam trong thời gian qua. Đối với quyền lập pháp, theo quy định của Hiến pháp năm 1992, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền làm Luật và sửa đổi Luật, đồng thời Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh, ủy quyền cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các văn bản do Quốc hội ban hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, việc phân định giữa các thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên chưa được rõ ràng, hơn nữa việc giám sát công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua chưa được thực hiện thấu đáo. Vì vậy trong một số trường hợp, còn xảy ra tình trạng xung đột giữa các văn bản dưới Luật và văn bản Luật.
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích các khái niệm về quyền lập pháp, quyền lập quy của hành pháp; kinh nghiệm việc ủy quyền lập pháp ở một số nước, qua đó có sự nghiên cứu, so sánh với Việt Nam.
Đồng thời, các đại biểu đưa ra các gợi ý cho việc sửa đổi, hoàn thiện một số quy định và quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay./.