Ủy ban Kinh tế Quốc hội góp ý sửa đổi Hiến pháp

01/03/2013

Ngày 27/2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Chương III được xây dựng trên cơ sở lồng ghép, gộp Chương II - Chế độ Kinh tế và Chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp hiện hành nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Theo dự thảo sửa đổi, đường lối, quan điểm phát triển kinh tế của Việt Nam được xác định là: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung các Điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25 của Hiến pháp hiện hành về tính chất, mô hình kinh tế, thể hiện khái quát và cô đọng hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với tính chất quy định của Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi không quy định cụ thể tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế.

Vai trò quản lý Nhà nước trong nền kinh tế cũng được dự thảo sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung mới như: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm phát triển hài hoà giữa các vùng địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế.

Cơ bản tán thành với Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18) dự thảo Hiến pháp, thành viên Ủy ban Kinh tế Thào Hồng Sơn nêu thực tế hiện nay nhiều người dân phải chịu thiệt thòi trong nhiều dự án thu hồi đất, đặc biệt việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường khi thu hồi đất.

Đại biểu kiến nghị ở khoản 3 cần thay đổi cụm từ "bồi thường theo quy định của pháp luật" thành "bồi thường theo giá thị trường" trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Cho ý kiến về Điều 54 dự thảo Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đánh giá dự thảo Hiến pháp đã thể hiện khái quát và cô đọng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần khẳng định trong Điều 54 vai trò của Nhà nước trong việc tạo điều kiện như nhau cho sự phát triển và đóng góp của các thành phần kinh tế.

Theo đại biểu, mặc dù Điều 55 và Điều 56 của dự thảo cũng đã có đề cập nhưng vẫn chưa thể hiện rõ việc Nhà nước sẽ đảm bảo đảm việc tiếp cận các nguồn lực như nhau để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Cũng cùng quan điểm này, có ý kiến đề nghị quy định thêm 1 nội dung tại Điều 54 là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho từng thành phần kinh tế theo yêu cầu phát triển của đất nước để không có sự "suy bì" trong quá trình vận hành pháp luật.

Góp ý kiến vào Điều 9, có ý kiến đề nghị để tiếp tục khẳng định phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết dân tộc là động lực nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ phát triển đất nước nên khoản 3 Điều 9 cần được sửa đổi theo hướng nhà nước bảo đảm để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hoạt động, chứ không chỉ dừng lại ở quy định "tạo điều kiện."

Nội dung quy định tại điều 21 của dự thảo là "Mọi người có quyền sống," có ý kiến băn khoăn đối với trường hợp người vi phạm pháp luật hình sự mà cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình thì “quyền sống” ở đây nên hiểu như thế nào. Đối với trường hợp vì lý do sức khỏe do đau ốm, bệnh tật, mà họ muốn chấm dứt quyền được sống có được áp dụng không.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế; về vấn đề sở hữu; về hình thức thu hồi đất; làm rõ mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; trách nhiệm đầu tư của Nhà nước đối với từng lĩnh vực về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.../.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)