NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIV: NHÓM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẺ THAM GIA TÍCH CỰC NHIỀU HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI ĐA PHƯƠNG VÀ SONG PHƯƠNG

31/03/2021

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ngoài việc tích cực tham gia hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Nhóm ĐBQH trẻ còn thực hiện nhiều hoạt đối ngoại đa phương và song phương.

Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Đến dự Hội nghị còn có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ (ĐBQH) Lê Quốc Phong cùng các đồng chí, đại biểu đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Đinh Công Sỹ cho biết, ngoài việc tích cực tham gia hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Nhóm ĐBQH trẻ còn thực hiện nhiều hoạt đối ngoại đa phương và song phương. Trong đó, Nhóm ĐBQH trẻ đã tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp tại các diễn đàn, hội nghị và chương trình dành cho nghị sĩ trẻ như: Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) với các chủ đề thảo luận về việc tăng cường sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động chính trị, trao quyền cho thanh niên, thúc đẩy tính bền vững, tăng trưởng kinh tế, môi trường bền vững và phúc lợi xã hội, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai; vấn đề di cư, giáo dục, việc làm cho lao động trẻ...


Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong tặng quà lưu niệm cho Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Đại diện Nhóm tham dự Hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ IPU lần thứ 4 với chủ đề “Nghị sĩ trẻ, người dẫn dắt sự tham gia của tất cả mọi người” (Canada, tháng 11/2017). Chủ đề hội nghị nhằm xác định rõ hơn vai trò của các nghị sĩ trẻ với tư cách là chủ nhân tương lai tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội. Sự tham gia của giới trẻ vào các hoạt động này không chỉ đảm bảo chắc chắc rằng họ không bị tụt lại phía sau mà cần tăng cường mạnh mẽ sự đóng góp của họ vào một thế giới dân chủ, công bằng và thịnh vượng hơn. 

Nhóm ĐBQH trẻ còn tham dự Hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ IPU lần thứ 5 với chủ đề “Thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai” (Azerbaijan, tháng 12/2018). Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận sôi nổi về vai trò của thanh niên trong bảo vệ môi trường; thay đổi mô hình kinh tế cũ để hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững; vấn đề giáo dục và việc làm trong tương lai của thanh niên; trao quyền cho thanh niên. Qua trao đổi, các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của các nghị sĩ đối với các thế hệ tương lai, đề cao nguyên tắc 7 thế hệ: Khi thực hiện những quyết định và hành động ở thời điểm hiện tại thì cần phải xem xét tác động của chúng đến 7 thế hệ sau. Các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ môi trường, phát triển mô hình kinh tế xanh, thân thiện môi trường và các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách, pháp luật theo tinh thần của các nghị sĩ trẻ IPU: Mọi quyết định về thanh niên phải có sự tham gia của thanh niên.

Hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ IPU lần thứ 6 với chủ đề: “Đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và trao quyền cho thanh niên có cuộc sống tốt” (Paraguay, tháng 9/2019). Trong thế giới ngày nay, với tình trạng bất bình đẳng gia tăng, cuộc khủng hoảng khí hậu đáng lo ngại và tình trạng bất ổn xã hội ngày càng gia tăng, cần phải tìm ra các cách tiếp cận và giải pháp mới cho những vấn đề này. Tăng trưởng đơn lẻ và các mô hình phát triển truyền thống hiện tại không thể giải quyết hiệu quả cho các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường của thời đại chúng ta. Chúng cũng không thể tạo điều kiện để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), vốn đòi hỏi nỗ lực tăng tốc, tư duy táo bạo và đổi mới.

Quá trình chuyển đổi sang cách tiếp cận an sinh đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong việc hình thành và phát triển các chính sách cũng như sự tiến bộ có thể đo lường được. Các nghị sĩ trẻ, với tư cách là các nhà lãnh đạo gần gũi nhất với các thế hệ trẻ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tiếng nói của giới trẻ và biến mong muốn của giới trẻ trở thành hành động cụ thể.

Chương trình “Thế hệ trẻ” trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc tế lần thứ hai về “Sự phát triển của chế độ đại nghị” (Liên bang Nga, tháng 7/2019). Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy vai trò của các nghị viện trong việc đóng góp vào quá trình củng cố hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; tăng cường đối thoại giữa các nhà lập pháp các nước, các thể chế liên nghị viện trong một số vấn đề quan trọng như giảm nghèo và bất bình đẳng, môi trường, vai trò của thanh niên và nghị sĩ trẻ, quyền con người… Đoàn Việt Nam đã tham dự các phiên thảo luận của chương trình, đáng chú ý có phiên “Vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của nghị viện: Kinh nghiệm và những ưu tiên”.

Nhóm ĐBQH trẻ còn tham dự Hội nghị lần thứ nhất Mạng lưới Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng 45 Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) thảo luận về chủ đề “Các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ đối với các hoạt động chính trị” được tổ chức tại Côte d’Ivoire vào tháng 7/2019.

Hội nghị không chính thức của nghị sĩ trẻ AIPA trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, với chủ đề “Sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”. Đây là Hội nghị lần đầu tiên đặt nền móng cho cơ chế hợp tác nghị sĩ trẻ trong AIPA, tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hội nghị với sự tham dự của đại diện các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên, một số tổ chức quốc tế. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về sự tăng cường tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, sự tham gia của thanh niên, các nghị sĩ trẻ vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, những hoạt động của các nghị viện thành viên AIPA và những hoạt động của AIPA là rất cần thiết, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Sáng kiến tổ chức Hội nghị nghị sĩ trẻ AIPA của nước chủ nhà AIPA 41- Quốc hội Việt Nam đã được các đại biểu tham dự Đại hội đồng AIPA 41 đồng thuận cao, đánh giá là nhân tố mới, dấu ấn lịch sử quan trọng trong hình thành cơ chế hội nghị dành cho các nghị sĩ trẻ. Các nghị viện thành viên đã thống nhất giao Ban Thư ký AIPA, Ban Thư ký Nghị viện các nước tiến hành những quy trình, thủ tục cần thiết để đưa Hội nghị nghị sĩ trẻ AIPA trở thành một hoạt động chính thức của Đại hội đồng AIPA trong năm tới đây. Thành viên Nhóm ĐBQH trẻ tích cực tham gia Hội nghị với các cương vị: chủ tọa, báo cáo viên và thành viên Đoàn ĐBQH Việt Nam.


Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị.

Trong hoạt động đối ngoại song phương, Nhóm ĐBQH trẻ đã có một số cuộc tiếp xúc, làm việc với Đoàn Nghị sĩ trẻ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ, Nhóm ĐBQH trẻ đã đón và làm việc với 02 Đoàn nghị sĩ trẻ của Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản với số lượng đại biểu lớn gần 200 đại biểu (năm 2017 và 2020). Nội dung cuộc gặp gỡ xoay quanh chủ đề: quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; tự do hàng hải trên Biển Đông; cơ cấu tổ chức bộ máy Quốc hội và kinh nghiệm hoạt động của các nghị sĩ trẻ. Các cuộc gặp gỡ, làm việc đã nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau về hoạt động của đại biểu dân cử và cơ quan dân cử hai nước, chia sẻ các quan điểm về các vấn đề thế giới, khu vực góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam -Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (năm 2017), Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam tổ chức Đoàn thăm, làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đoàn đã chào xã giao với lãnh đạo Quốc hội Lào, trao đổi với các ĐBQH trẻ, lãnh đạo một số địa phương của Lào (các tỉnh Viêng Chăn, Luông Phrabang) về hoạt động của Nhóm về hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và quan hệ hợp tác quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới; vấn đề thu hút đầu tư, quy hoạch đô thị, phát triển du lịch, công tác bình đẳng giới, tội phạm và vi phạm pháp luật trong vị thành niên; kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tăng số lượng người trẻ tham gia làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; các giải pháp nâng cao nhận thức của giới trẻ hai nước nói chung, gìn giữ tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, Nhóm ĐBQH trẻ đã có các cuộc làm việc với Đoàn nghị sĩ của Chương trình Nghị sĩ trẻ Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF, năm 2017); Đoàn Lãnh đạo trẻ Australia (năm 2018, 2019) nhân dịp các Đoàn đến làm việc tại Việt Nam. Các hoạt động gặp gỡ, làm việc diễn ra trong không khí thân tình, thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề giới trẻ Việt Nam, giới trẻ trên thế giới quan tâm, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri, xây dựng pháp luật ở mỗi nước, các giải pháp tăng cường trao đổi lẫn nhau giữa hai bên trong thời gian tới./.

Bích Lan