Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Đến dự Hội nghị còn có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ (ĐBQH) Lê Quốc Phong cùng các đồng chí, đại biểu đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 22/5/2016 đã bầu ra 496 ĐBQH, trong đó có 131 ĐBQH dưới 45 tuổi, chiếm 26,5% tổng số ĐBQH khóa XIV. Ngày 09/11/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 299/NQ-UBTVQH14 về thành lập Nhóm ĐBQH trẻ và Nhóm đã ban hành Quy chế hoạt động. Sau 5 năm hoạt động, các hoạt động của Nhóm ĐBQH trẻ, của mỗi ĐBQH trẻ trên mọi mặt thực hiện chức năng của Quốc hội đã góp phần mạnh mẽ vào những thành tựu chung của Quốc hội khóa XIV.
Nhóm ĐBQH trẻ hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm và đã tổ chức một số hoạt động trên cơ sở triển khai thực hiện các chức năng của Quốc hội và chương trình nghị sự của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại thời điểm thành lập, Nhóm gồm 131 thành viên là những đại biểu Quốc hội từ 45 tuổi trở xuống (theo tiêu chí của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh nghị viện thế giới - IPU), Ban Thường trực gồm 04 đồng chí. Tính đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Nhóm ĐBQH trẻ có 75 thành viên từ đủ 45 tuổi trở xuống, 56 thành viên trên 45 tuổi.
Trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhiệm kỳ 2016-2021, các ĐBQH trẻ đã rất tích cực tham gia ý kiến trong xây dựng pháp luật, nhiều ý kiến thể hiện quan điểm và góc nhìn của giới trẻ, các góc nhìn mới vào các dự thảo dự án luật. Nhiều ý kiến tham gia của các ĐBQH trẻ được các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra tiếp thu; đặc biệt các thành viên đã tham gia nhiều vào các phiên họp lấy ý kiến và góp ý tại diễn đàn Quốc hội về Luật thanh niên (sửa đổi); tích cực tham gia các cuộc giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và tại các Đoàn ĐBQH; đồng thời từ thực tiễn tiếp xúc cử tri, các thành viên Nhóm đã truyền tải nhiều ý kiến phản ánh, góp ý của cử tri trẻ đến Quốc hội và Chính phủ để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong, đầu nhiệm kỳ Quốc hội, Ban Thường trực Nhóm đã phối hợp với các đối tác triển khai Dự án Tăng cường năng lực cho các ĐBQH trẻ; tiến hành khảo sát nhu cầu bồi dưỡng dành cho các ĐBQH trẻ; tổ chức 02 hội nghị với chủ đề “Kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho đại biểu Quốc hội trẻ” và “Sự đa dạng giữa các nền văn hóa và các kỹ năng trình bày trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Các hội nghị này đã giúp các thành viên Nhóm được trang bị, nâng cao kỹ năng trong quá trình hoạt động của đại biểu dân cử.
Nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng thanh niên ở các Nhóm xã hội khác nhau để phản ánh đến các cơ quan ở trung ương, Ban Thường trực Nhóm đã tổ chức để một số ĐBQH trẻ tiếp xúc với các cử tri trẻ là thanh niên khu vực nông thôn (tại tỉnh Nghệ An); cử tri khu vực trường học (tại Đại học quốc gia Hà Nội) và các cử tri là công nhân trẻ (tại khu công nghiệp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2019), Nhóm ĐBQH trẻ tổ chức Cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Nhóm ĐBQH trẻ. Thủ tướng Chính phủ khẳng định số lượng ĐBQH trẻ chiếm tỷ lệ cao trong Quốc hội, là lực lượng quan trọng có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội nói riêng và của đất nước nói chung. Thủ tướng Chính phủ mong muốn các ĐBQH trẻ phát huy tinh thần nỗ lực, sáng tạo để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Một số hoạt động đối ngoại: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Nhóm ĐBQH trẻ tham dự các diễn đàn, hội nghị và chương trình dành cho nghị sĩ trẻ như: Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), các hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ: Hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ IPU lần thứ 4 với chủ đề “Nghị sĩ trẻ, người dẫn dắt sự tham gia của tất cả mọi người” (Canada, tháng 11/2017). Hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ IPU lần thứ 5 với chủ đề “Thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai” (Azerbaijan, tháng 12/2018). Hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ IPU lần thứ 6 với chủ đề: “Đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và trao quyền cho giới trẻ để có cuộc sống tốt” (Paraguay, tháng 9/2019).
Tại các Hội nghị này, Nhóm ĐBQH trẻ đều có đại diện tham gia và thảo luận tích cực vào các chương trình nghị sự của hội nghị, cũng như chia sẻ, trao đổi với các nghị sĩ trẻ các nước thành viên Liên minh nghị viện về các mối quan tâm của Việt Nam, của giới trẻ Việt Nam qua đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới về quan điểm, lập trường của nước ta về các vấn đề quốc tế, khu vực.
Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong nhấn mạnh: Chương trình “Thế hệ trẻ” trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc tế lần thứ hai về “Sự phát triển của chế độ đại nghị” (Liên bang Nga, tháng 7/2019) và Hội nghị lần thứ nhất Mạng lưới Nghị sĩ trẻ Đại hội đồng 45 Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) chủ đề “Các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ đối với các hoạt động chính trị” (Côte d’Ivoire, tháng 7/2019). Các diễn đàn này nhằm thúc đẩy vai trò của các nghị viện trong việc đóng góp vào quá trình củng cố hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; tăng cường đối thoại giữa các nhà lập pháp các nước, môi trường, vai trò của thanh niên và nghị sĩ trẻ…
Đặc biệt, Hội nghị không chính thức của nghị sĩ trẻ AIPA trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, với chủ đề “Sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”. Đây là Hội nghị lần đầu tiên đặt nền móng cho cơ chế hợp tác nghị sĩ trẻ trong AIPA, tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hội nghị với sự tham dự của đại diện các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên, một số tổ chức quốc tế. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về sự tăng cường tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, sự tham gia của thanh niên, các nghị sĩ trẻ vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, những hoạt động của các nghị viện thành viên AIPA và những hoạt động của AIPA là rất cần thiết, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Sáng kiến tổ chức Hội nghị nghị sĩ trẻ AIPA của nước chủ nhà Quốc hội Việt Nam – Chủ tịch AIPA 41 đã được các đại biểu tham dự Đại hội đồng AIPA 41 đồng thuận cao, đánh giá là nhân tố mới, dấu ấn lịch sử quan trọng trong hình thành cơ chế hội nghị dành cho các nghị sĩ trẻ. Thành viên Nhóm ĐBQH trẻ tích cực tham gia Hội nghị với các cương vị: chủ tọa, báo cáo viên và thành viên Đoàn ĐBQH Việt Nam.
Một số hoạt động đối ngoại song phương diễn ra khá sôi động. Trong nhiệm kỳ, Nhóm ĐBQH trẻ đã đón và làm việc với 02 Đoàn nghị sĩ trẻ của Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản với số lượng đại biểu lớn gần 200 đại biểu (năm 2017 và 2020). Nội dung cuộc gặp gỡ xoay quanh chủ đề: quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; tự do hàng hải trên Biển Đông; kinh nghiệm hoạt động của các nghị sĩ trẻ. Các cuộc gặp gỡ, làm việc đã nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau về hoạt động của đại biểu dân cử và cơ quan dân cử hai nước góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (năm 2017), Nhóm ĐBQH trẻ Việt Nam tổ chức Đoàn thăm, làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đoàn đã chào xã giao với lãnh đạo Quốc hội Lào, trao đổi với các ĐBQH trẻ, lãnh đạo một số địa phương của Lào về hoạt động của Nhóm về hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; vấn đề thu hút đầu tư, phát triển du lịch; kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tăng số lượng người trẻ tham gia làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; các giải pháp nâng cao nhận thức của giới trẻ hai nước nói chung, gìn giữ tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, Nhóm ĐBQH trẻ đã có các cuộc làm việc với Đoàn nghị sĩ của Chương trình Nghị sĩ trẻ Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF, năm 2017); Đoàn Lãnh đạo trẻ Australia (năm 2018, 2019) nhân dịp các Đoàn đến làm việc tại Việt Nam. Các hoạt động gặp gỡ, làm việc diễn ra trong không khí thân tình, thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề giới trẻ Việt Nam, giới trẻ trên thế giới quan tâm, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri, xây dựng pháp luật ở mỗi nước, các giải pháp tăng cường trao đổi lẫn nhau giữa hai bên trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Nhóm ĐBQH trẻ đã hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với trách nhiệm đại biểu nhân dân, qua 10 kỳ họp Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH trẻ đã tích cực tham gia hoạt động tại mỗi Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố; hoạt động tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà các đại biểu là thành viên, cũng như tham gia vào các hoạt động chung tại nghị trường Quốc hội. Sự tham gia của các ĐBQH trẻ trong hoạt động của Quốc hội đã góp phần tích cực và sinh động vào hoạt động nghị trường và vào tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, cũng như những thành tựu của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Với những nỗ lực đóng góp của mỗi cá nhân đại biểu trong ngành, lĩnh vực chuyên môn công tác, cũng như các hoạt động của ĐBQH, cho đến nay nhiều ĐBQH trẻ đã để lại dấu ấn trong hoạt động của Quốc hội; được tổ chức ghi nhận và được trao các trọng trách cao hơn trong cơ quan, đơn vị và địa phương mình công tác.
Có được những kết quả đó là có sự chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, sự phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đặc biệt là sự phối hợp, điều phối hoạt động của Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Thay mặt Ban Thường trực Nhóm ĐBQH trẻ khóa XIV, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong cảm ơn sự quan tâm tận tình của các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã cùng chúng tôi tổ chức tốt các hoạt động của Nhóm ĐBQH trẻ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Từ thực tiễn hoạt động của Nhóm ĐBQH trẻ khóa XIV, Ban Thường trực Nhóm xin kiến nghị với Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung sau:
Thứ nhất: Tiếp tục ban hành Nghị quyết thành lập Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV để các ĐBQH trẻ trao đổi, thảo luận về những nội dung trong chương trình nghị sự của Quốc hội, nhất là những vấn đề có liên quan đến thanh niên, giới trẻ, những vấn đề là mối quan tâm nhiều của cử tri, trong đó có cử tri trẻ; đồng thời hỗ trợ các ĐBQH trẻ trong việc bồi dưỡng, tăng cường kiến thức và kỹ năng, góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của đại biểu.
Thứ hai: Tạo điều kiện cần thiết để Ban Thường trực Nhóm ĐBQH trẻ tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc giữa các ĐBQH trẻ và cử tri trẻ theo chuyên đề, theo ngành nghề, lĩnh vực, tại các địa phương; tổ chức các hội thảo chuyên đề về các vấn đề cử tri trẻ quan tâm và hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo luật, nghị quyết, các vấn đề Quốc hội quyết định mà có tác động nhiều đến thanh thiếu niên.
Thứ ba: Đưa hoạt động của Nhóm ĐBQH trẻ vào công tác đối ngoại của Quốc hội, tạo điều kiện để các ĐBQH trẻ gặp gỡ, tọa đàm, trao đổi, làm việc với các Đoàn Nghị sĩ trẻ các nước vào thăm, làm việc tại Việt Nam và giới thiệu ĐBQH trẻ tham dự các diễn đàn nghị viện đa phương quốc tế và khu vực, trong đó chú trọng nghiên cứu, tham gia có hiệu quả Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA - sáng kiến của Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA 41; cho phép tổ chức mỗi năm ít nhất 02 đoàn gặp gỡ song phương với nghị sĩ trẻ là các nghị viện đối tác thường xuyên của Quốc hội Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao của Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động này có thể tổ chức dưới bằng hình thức linh hoạt./.