Trong hoạt động giám sát chung kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế, từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra 09 báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, 03 báo cáo của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế. Để chuẩn bị các báo cáo thẩm tra phục vụ giám sát chung kinh tế - xã hội, ngoài việc tổ chức các phiên họp với sự tham dự của các thành viên, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Bộ, ngành, triển khai nhiều đoàn công tác đi giám sát, làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề… Nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên đề cũng được Ủy ban tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, cộng tác viên, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhằm đánh giá một cách tổng thể, khách quan, chính xác về tình hình kinh tế - xã hội, phân tích và đánh giá những vấn đề kinh tế vĩ mô; quá trình xây dựng cũng như điều hành chính sách của các cơ quan hoạch định và quản lý; đưa ra những khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn và dài hạn. Các cuộc hội thảo, tọa đàm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội, là nơi để các chuyên gia kinh tế nêu lên ý kiến đánh giá của mình. Những ý kiến, tham luận, đề xuất tại các cuộc họp được tổng hợp là căn cứ phục vụ công tác thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội; phục vụ Uy ban đóng góp cho việc ra các quyết định quan trọng của Quốc hội như Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2021…
Làm sáng tỏ những vấn đề được xã hội quan tâm
Trong hoạt động giám sát chuyên đề, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì triển khai 03 chuyên đề giám sát của Quốc hội, 01 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 01 chuyên đề giám sát của Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016” trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những vấn đề lớn có nhiều nội dung cần được làm sáng tỏ, được xã hội và cử tri rất quan tâm. Với tư cách là cơ quan được giao chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện chuyên đề giám sát, Ủy ban Kinh tế đã rất nỗ lực tổ chức thu thập thông tin, khảo sát (tiền trạm), giám sát thực tiễn, phân tích các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật hiện hành, xây dựng báo cáo giám sát phản ảnh sát thực tình hình và đưa ra các kiến nghị, đề xuất chính sách quan trọng. Nổi bật là sau giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016” (năm 2018), Uỷ ban đã phục vụ Đoàn giám sát xây dựng báo cáo về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành một số luật, như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; có Báo cáo số 10/BC-CP ngày 19/5/2019 về kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước gửi Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2019; có Tờ trình số 392/TTr-CP báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuẩn bị ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Sau giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” (năm 2019), Chính phủ đã tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện và chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định điều chỉnh lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan hiện còn vướng mắc, bất cập; ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm sự thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu thầu, giải quyết được một số vướng mắc về kinh phí để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành địa phương thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới...
Phiên họp của Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”
Bên cạnh đó, Uỷ ban đã xây dựng một số báo cáo về đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong các ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Việc giám sát thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn là bước đổi mới nhằm tiến tới giám sát phải đi đến tận cùng vấn đề, gắn giám sát với chế tài thực hiện.
Ngoài ra, Uỷ ban còn xây dựng báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về một số nội dung như: (1) Kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ (2016-2020) cấp quốc gia; (2) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (3) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; (4) Tình hình triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; (5) Tình hình triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội; (6) Tình hình triển khai thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội; (7) Hoạt động đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2018 và việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Thúc đẩy việc triển khai Luật trên thực tế
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Kinh tế đã thực hiện giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua do Ủy ban chủ trì thẩm tra. Thông qua kết quả giám sát văn bản, Ủy ban đã đôn đốc các Bộ, ngành ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh đã được thông qua, qua đó sớm đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Đặc biệt, trong quá trình theo dõi việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nhiệm nhỏ và vừa, Ủy ban đã chủ động theo dõi phản ánh từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, các luật sư, các tổ chức trong và ngoài nước về những quy định của Luật, thường xuyên trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bảo đảm thi hành Luật Hỗ trợ doanh nhiệm nhỏ và vừa theo đúng tinh thần của Luật. Đồng thời, cử cán bộ cấp Vụ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ cập nhật tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tham gia ý kiến khi có yêu cầu; tham dự các hội thảo để nghe đánh giá của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về Luật cũng như đóng góp ý kiến về dự thảo một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.
Đến 01/01/2018, Luật Hỗ trợ doanh nhiệm nhỏ và vừa đã có hiệu lực, nhưng các Nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, việc chậm trễ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đã gây khó khăn, lúng túng cho quá trình triển khai áp dụng Luật. Trước tình hình đó, Ủy ban đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đôn đốc Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn. Khi các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đủ về đầu mục văn bản nhưng một số nội dung chưa được cụ thể hóa trong văn bản pháp luật khác để triển khai hỗ trợ có hiệu quả, Uỷ ban đã xây dựng báo cáo, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Chính phủ và các cơ quan có liên quan để kịp thời hướng dẫn, có giải pháp khắc phục vướng mắc.
Tạo cơ hội đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, người dân
Trước những vấn đề mà cử tri quan tâm và phản ánh, Ủy ban đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công 02 phiên giải trình về: (1) Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (năm 2017) và (2) Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (năm 2020), thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các cơ quan có liên quan.
Phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”
Đặc biệt, đối với phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, ngoài các báo cáo, tài liệu bằng văn bản, Uỷ ban đã chuẩn bị video clip để tạo sự sinh động, hấp dẫn, tăng tính thuyết phục. Việc thảo luận tại phiên giải trình diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi chất vấn, ý kiến phản biện thẳng thắn, chất lượng, góp phần làm rõ những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Kết thúc phiên giải trình, Ủy ban xây dựng báo cáo kết quả phiên giải trình, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả về nội dung phiên giải trình và video clip về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” được hoàn thiện và gửi tới các vị đại biểu Quốc hội và trình chiếu tại phiên thảo luận ở Hội trường về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV để cung cấp thông tin, tạo điểm nhấn trong quá trình thảo luận kinh tế - xã hội; một số nội dung, kiến nghị cốt lõi đã được lựa chọn để gửi Tiểu ban Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết của Quốc hội để giao Chính phủ thực hiện. Các phiên giải trình đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của đông đảo cử tri và các đại biểu Quốc hội, đồng thời, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước giải trình, đối thoại trực tiếp với các đại biểu Quốc hội, đại diện doanh nghiệp, người dân về các lĩnh vực…
Có thể nói, hoạt động giám sát của Ủy ban ngày càng đi vào thực chất, về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Qua giám sát đã phát hiện được những vấn đề còn vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, còn ban hành chậm một số văn bản hướng dẫn thực hiện luật, nghị quyết, từ đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan; đồng thời đưa ra các biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục những thiết sót, khuyết điểm./.