NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV: ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, NÂNG CAO VỊ THỂ CỦA NỮ ĐẠI BIỂU

30/03/2021

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, vai trò và vị thế của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội được nâng cao. Các nữ đại biểu Quốc hội tham gia ngày càng tích cực trong các hoạt động của Quốc hội, khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ của người đại biểu; đồng thời có nhiều hoạt động, đề xuất nhiều kiến nghị về thúc đẩy bình đẳng giới. Thực tiễn hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đã thể hiện rõ điều này.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các nữ đại biểu Quốc hội tại Lễ tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV được thành lập với 132 nữ đại biểu, tỉ lệ là 26,7% (tăng so với hai khóa XII, XIII với tỉ lệ lần lượt là 25,76% và 24,4%). Có 88 nữ trúng cử lần đầu, chiếm 66,7% (khóa XIII là 64,8%). 100% nữ đại biểu Quốc hội có trình độ đại học trở lên, trong đó 59,1% có trình độ trên đại học. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử Quốc hội Việt Nam khi có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên. 

Đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của nữ đại biểu Quốc hội

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban về các vấn đề Xã hội và các cơ quan hữu quan tổ chức các hội nghị, tọa đàm về việc đánh giá tác động giới của chính sách trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 56 dự án luật, pháp lệnh; thẩm tra Báo cáo hàng năm của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình; quan tâm đến tác động giới, ngân sách có trách nhiệm giới khi xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhóm đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các cuộc gặp mặt với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tạo diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội có những kiến nghị về lĩnh vực bình đẳng giới, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Nhóm cũng đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các cuộc gặp mặt với các Đại sứ, cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, góp phần đưa hoạt động này của Nhóm trở thành hoạt động thường niên. Các cuộc gặp mặt được tổ chức ở tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên có nội dung đa dạng, phong phú, giúp các đại biểu hiểu thêm vấn đề phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ làm công tác khoa học, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương v.v. tiếp tục là diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội cùng bạn bè quốc tế chia sẻ những bài học, những thành tựu, cam kết và đồng hành cùng nhau hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động đối ngoại và đạt được những thành tựu, kết quả tích cực, tiếng nói và sự tham gia của Việt Nam đã được ghi nhận khi quyết định chính sách ở cấp độ quốc gia và quốc tế về bình đẳng giới tại các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN-AIPA. các diễn đàn Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị nữ Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF).

Trong khuôn khổ năm Chủ tịch AIPA 41 với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là Chủ tịch AIPA 41; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Tòng Thị Phóng là Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41; một số thành viên trong Nhóm đã chủ trì, báo cáo tại các Hội nghị quan trọng, các cuộc họp của các Ủy ban chuyên môn và đã tham gia tích cực vào các hoạt động của AIPA 41. Nổi bật là, tại Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA 41, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia chủ trì tổ chức Hội nghị và bảo trợ thành công Nghị quyết về “Vai trò của nữ nghị sỹ trong đảm bảo việc làm và thu nhập của lao động nữ” trong đó kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA và các quốc gia thành viên ASEAN quan tâm phân bổ nguồn lực cho các chính sách, chương trình để giải quyết các vấn đề mới nổi nhằm thúc đẩy việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ trong và sau khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA trong khuôn khổ AIPA-41

Trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã tham dự Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn". Sự tham gia của các nữ lãnh đạo Quốc hội cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở cấp cao của ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN - một trong những hoạt động chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan có chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu Covid-19” đã nhấn mạnh, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu Covid-19. Đoàn các nữ lãnh đạo Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và góp phần đưa ra những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Nghị viện thế giới lần thứ 13 với chủ đề “Sự lãnh đạo của phụ nữ tại Quốc hội trong thời COVID-19 và sự phục hồi sau đại dịch”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu trong phiên thảo luận về “Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng lên tầm cao mới”, khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ và tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện bình đẳng giới trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về “Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng lên tầm cao mới” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13

Tại Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26 (tại Hà Nội): với sự thành công của Hội nghị nữ nghị sĩ do Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam chủ trì với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”, Quy chế APPF đã được sửa đổi, theo đó, Hội nghị nữ nghị sĩ trở thành một cơ chế chính thức tại các Hội nghị thường niên của APPF. Cơ chế Hội nghị nữ nghị sĩ tại IPU, AIPA và tiếp nối là APPF đã khẳng định vai trò của nữ lãnh đạo nói chung và nữ nghị sĩ nói riêng trong việc góp tiếng nói và tham gia quyết định chính sách ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Diễn đàn phụ nữ Á-Âu lần thứ 2 (tại Liên bang Nga) đã có các bài phát biểu được đánh giá cao tại các phiên họp chính “Phụ nữ vì sự phát triển ổn định của thế giới toàn cầu”,“Phụ nữ vì sự phát triển kinh tế cân bằng” và “Phụ nữ vì sự tiến bộ xã hội” góp phần nâng cao nhận thức và thúc giục phụ nữ đi đầu, thúc đẩy liên kết kinh tế và hợp tác quốc tế; kêu gọi các quốc gia coi việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cơ hội cho phụ nữ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên.

Ngoài ra, trong hoạt động đối ngoại song phương, Nhóm đã tổ chức thành công Hội nghị nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam - Lào nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động nghị trường với các nữ đại biểu Quốc hội Lào, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội trên diễn đàn Quốc hội. Đại diện Nhóm đã tham gia các cuộc tiếp, làm việc với các đoàn khách quốc tế. 

Nhóm đã có sự phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động.

Nhiều dấu ấn và đóng góp tích cực vào thành công của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia tích cực, có hiệu quả trong các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Trong công tác xây dựng pháp luật, nữ đại biểu Quốc hội  đã có nhiều ý kiến góp ý chất lượng vào các dự án Luật. Đã có khoảng 27% lượt ý kiến phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội  góp ý vào các dự án Luật trong các phiên thảo luận tại Hội trường, cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội  trong Quốc hội. Cũng như các nước trên thế giới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội phát biểu về các dự án Luật thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội là khoảng 45%, ý kiến tham gia của nữ đại biểu Quốc hội  đối với dự án Luật Du lịch là 57,14% và dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là 53,57%. Trong khi đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội  cho ý kiến đối với các dự án Luật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính đạt khoảng 25%, cao hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên có nữ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến pháp luật. Mặc dù dự án Luật Hành chính công của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chưa đảm bảo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, nhưng hồ sơ dự án Luật được đánh giá là một tài liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị.  

Trong lĩnh vực giám sát, các nữ đại biểu tích cực tham gia ý kiến đối với các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và tham gia hoạt động chất vấn, có 87/276 lượt phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội  về các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 554/1754 ý kiến nữ đại biểu Quốc hội  tham gia chất vấn Chính phủ và thành viên Chính phủ (tỷ lệ lần lượt là 31,52% và 31,58%).

Trong hoạt động đối ngoại: Các nữ lãnh đạo Quốc hội, nữ lãnh đạo của các cơ quan của Quốc hội và các nữ đại biểu Quốc hội  đã có nhiều hoạt động nổi bật, thực hiện tích cực, hiệu quả, sáng tạo, phát huy ưu thế của ngoại giao nghị viện, góp phần vào thành công chung của hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn ĐBQH Việt Nam tại AIPA nhận giải thưởng Vì sự cống hiến xuất sắc AIPA trong phiên bế mạc Hội nghị AIPA-41

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, một số đồng chí nữ lãnh đạo đã được đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ta và quốc tế ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến của các nữ đại biểu Quốc hội trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội, góp phần thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và đóng góp tích cực trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các nước.

Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của Nhóm từ Quốc hội khóa XII đến khóa XIV, Nhóm kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV tiếp tục thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội  ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV với hy vọng rằng, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội  khóa XV sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hướng tới mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách về giới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội  và vị thế, uy tín của nữ đại biểu Quốc hội  Việt Nam trong nước và quốc tế. Đồng thời, cần nhân rộng mô hình tổ chức và hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân./.

Bảo Yến