THẢO LUẬN TỔ VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP: CẦN CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ

30/03/2021

Thảo luận tại Tổ về báo cáo công tác trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của các cơ quan tư pháp, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của các cơ quan tư pháp trong nhiệm kỳ 2016-2021 với nhiều nỗ lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội; đồng thời kiến nghị một số vấn đề cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của các cơ quan tư pháp trong nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu Quốc hội cho rằng các cơ quan đã có nhiều nỗ lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị và phát triển kinh tế; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, áp lực của các cơ quan tư pháp trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Các đại biểu đánh giá trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật; quyền con người, quyền công dân được bảo vệ ngày càng tốt hơn; tính tranh tụng trong tố tụng được tăng cường; đã tiệm cận với nhiều nội dung tiến bộ của tư pháp trên thế giới; thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tư pháp trong giải quyết các vụ án, nhất là vụ án kinh tế, tham nhũng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng một số hạn chế được nêu trong các báo cáo còn chưa thật sự đầy đủ, chưa bao quát, chưa phản ánh hết một số tồn tại, hạn chế đã kéo dài trong thời gian qua; đồng thời chưa đánh giá cụ thể, sâu sắc về tình hình án oan, sai; đề nghị các báo cáo đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn.

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng bày tỏ, tán thành với báo cáo tổng kết của hai ngành viện kiểm sát và tòa án; khẳng định công tác tư pháp trong nhiệm kỳ khóa XIV đã gặt hái được rất nhiều thành công. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu rõ, các cơ quan tư pháp tiến được những bước tiến dài và đặc biệt hàng loạt các vụ án, dư luận xã hội, người dân, các cơ quan nhà nước và các đại biểu Quốc hội chú ý lâu nay; giải quyết được hàng loạt vướng mắc đặt ra bởi những vụ án mà bản chất của nó bắt đầu từ những hoạt động của những thiết chế cụ thể. Thông qua đó, đã tiếp tục hoàn thiện một bước về công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng

Từ thực tiễn hoạt động trong khóa XIV, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cũng nêu 3 vấn đề đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất, các sai sót nghiệp vụ trong hoạt động tư pháp bắt đầu từ hoạt động khởi tố, điều tra ban đầu. Công tác điều tra, truy tố, xét xử càng lên trên càng ổn, tốt hơn. Nhưng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ ra thực tế dù những sai sót trong điều tra ban đầu như hoạt động lấy lời khai, thu thập chứng cứ, tài liệu đã có những chuyển biến nhưng tính phức tạp của nó vẫn còn để lại nhiều suy nghĩ nên cần được quan tâm đúng mức. Ngoài ra hoạt động khám nghiệm hiện trường, truy vết, thu thập chứng cứ bộc lộ những điểm rất yếu đến mức đáng lo ngại cũng là điều phải quan tâm, cùng với đó là hoạt động giám định tư pháp. Đại biểu nhấn mạnh, tất cả những hoạt động trong giải quyết một vụ án đó là trình tự thủ tục tố tụng và nguyên tắc là không được phép vi phạm tố tụng, nếu có vi phạm tố tụng thì phải quay lại trình tự từ đầu để xác lập lại một trình tự đúng quy định của pháp luật. Đó mới là cách để một vụ án được giải quyết một cách triệt để.

Thứ hai, một nội dung đến bây giờ vẫn chưa gỡ ra được, đó là án không thi hành được, phần dân sự của vụ án hình sự không thể thi hành được. Tất cả những tài sản, đất đai, bất động sản khi đưa vào thu giữ, quản lý, kê biên để phục vụ cho điều tra thì trong quá trình giải quyết vụ án không đả động gì đến tính pháp lý, tính minh bạch, tính đúng đắn của các khối tài sản đó. Toàn bộ hoạt động ban đầu chỉ tập trung vào việc chứng minh tội phạm. Nhưng khi đưa ra phán quyết để trừng trị kẻ tội phạm và mặt khác thu hồi tài sản cho Nhà nước. Khi cơ quan thi hành án đến thì mới thấy không đúng quy định, không thể thực hiện được. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn kiến nghị trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp nên đưa việc đánh giá lại cơ sở pháp lý của các khối tài sản đó thì sau này cơ quan thi hành án mới làm được. Đại biểu nhấn mạnh từ hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án do nhiều cơ quan khác nhau đảm nhiệm, nhưng nó là một chuỗi hoạt động trong hệ thống tư pháp, không thể tách rời được. Cơ quan thi hành án là cơ quan cuối cùng phải thực hiện phần dân sự của bản án mà không thực hiện được thì có nghĩa là bản án chưa được thực hiện trên thực tế. Mục tiêu của tất cả các việc đó không chỉ là trừng trị mà cái quan trọng, quyết định nhất là thu hồi tài sản lại cho Nhà nước, cho xã hội.

Thứ ba, một số báo cáo của các cơ quan tư pháp năm 2020 có đánh giá mang tính cảnh tỉnh, cảnh báo về năng lực chuyên môn của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án liên quan đến đất đai và các dự án đầu tư vẫn còn rất nhiều bất cập. Do đó, đại biểu kiến nghị có biện pháp, có giải pháp để khắc phục vấn đề này.

Trong khi đó, đại biểu Mai Khanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình chia sẻ với những áp lực của ngành tòa án. Đại biểu cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã xác định mỗi một năm số vụ việc tòa án phải giải quyết tăng đều khoảng 8%, cụ thể khoảng gần 400.000 vụ án năm đầu nhiệm kỳ tăng lên hơn 500.000 vụ án năm cuối nhiệm kỳ. Đây là một áp lực rất lớn và khi báo cáo trước Quốc hội thì Tòa án nhân dân tối cao cũng còn dè dặt trong việc nói đến những áp lực đối với ngành tòa án.

Theo đại biểu Mai Khanh ngành nào cũng có những áp lực riêng nhưng chuyện tinh giản biên chế hiện nay đang gây ra những khó khăn rất lớn cho ngành tòa án. Do đó đại biểu đề nghị trong nhiệm kỳ tới Quốc hội, các cơ quan chức năng nên có sự cân nhắc, xem xét nếu không thể bổ sung thì cũng giữ được biên chế của ngành tòa án như trước khi thực hiện tinh giản biên chế để làm sao tháo gỡ bớt áp lực đối với ngành tòa án.

 Đại biểu Mai Khanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình 

Đại biểu Mai Khanh cho biết thêm, hiện nay đang thực hiện 4 cấp xét xử, thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, theo Luật Tổ chức Tòa án đã chuyển về cho Tòa án nhân dân cấp cao. Căn cứ vào báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cũng như báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, rõ ràng việc này đang gây ra những bất cập, đó là không giải quyết hết được giám đốc thẩm. Việc này có căn nguyên từ việc thực hiện Luật Tổ chức tòa án, ví dụ Tòa án nhân dân cấp cao không được giao thẩm quyền theo dõi số lượng án của Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết thường xuyên trong năm mà hiện nay đang thực hiện việc giám đốc thẩm thông qua kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, chính vì thế gây ra ách tắc, chậm chạp trong giải quyết một số vụ án khi có những tình tiết mới cần phải giải quyết kịp thời. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiến nghị và Tòa án nhân dan cấp cao với bối cảnh người không đủ, công việc rất nhiều thì không thể giải quyết kịp thời được. Đại biểu cho rằng, việc không có cơ chế chủ động của Tòa án nhân dân cấp cao trong việc theo dõi lượng án của tòa án cấp sơ thẩm ở đây là cấp huyện nên dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án của toàn ngành, nhất là những vụ việc đòi hỏi tính kịp thời, nhanh chóng để giải quyết lại những vụ án có những tình tiết mới hay có những vi phạm cần phải giám đốc thầm lại.

Đại biểu cũng chia sẻ, vừa qua rất nhiều ý kiến nói đến việc ủy quyền tham gia tố tụng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không tham gia tố tụng được để giải quyết một số vụ án hành chính dẫn đến có những luồng dư luận cho rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện không nghiêm, coi thường dân. Đại biểu cho rằng đánh giá như vậy là có phần bị thiên lệch. Luật pháp phải đảm bảo tính bình đẳng và công bằng giữa người dân với một đồng chí lãnh đạo hay một đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Tất cả các bên khi đã tham gia tố tụng hành chính đều bình đẳng trước pháp luật, người dân cũng có thể ủy quyền cho người khác được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cũng có thể ủy quyền cho người khác được và không nên lấy việc thực hiện tố tụng hành chính để đánh giá thực hiện công vụ.

Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội khóa tới và Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan tham mưu cũng nên kiến nghị với Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Tố tụng hành chính phù hợp với các quy định của luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự để đảm bảo cho các bên chủ thể tham gia vào tố tụng bình đẳng trước pháp luật và tránh được những phản ứng theo hướng tiêu cực của dư luận./.

Bảo Yến