Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần 5

11/10/2012

Ngày 10/10, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 5, thẩm tra Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013; thẩm tra Dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên họp.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định trong những năm qua, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và của Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả nhất định.

Tình hình kinh tế-xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã tiếp tục phát huy hiệu quả. Lãi suất tín dụng giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến….

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra tình hình kinh tế xã hội vẫn còn tồn tại, hạn chế: Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc; vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại. 5 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế- xã hội cơ bản có nhiều khả năng không đạt kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt thấp so với kế hoạch đề ra; đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp…

Trong những tháng cuối năm 2012, các giải pháp cần tập trung thực hiện là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại; chủ động điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng cường phòng chống tham nhũng.

Mục tiêu tổng quát năm 2013 được xác định là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị- xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng trong tổng số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, dự kiến có 10 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch như 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch đều là những chỉ tiêu quan trọng, đó là là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng.

Đại biểu nhận xét có sự “vênh” nhau giữa số liệu báo cáo với thực tế; giải pháp đưa ra xa với thực tế… Vì vậy Báo cáo cần tập trung đánh giá được những việc chưa làm được trong năm 2012, đồng thời phải phân tích rõ những nguyên nhân để có hướng khắc phục sửa chữa để tạo niềm tin cho nhân dân, cho doanh nghiệp.

Nhận định năm 2013 tiếp tục vẫn còn nhiều khó khăn, đại biểu cho rằng trong xác định các giải pháp cần phải kết hợp giữa giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài; cần minh bạch, công khai để cho dân hiểu.

Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh tới vai trò quản lý của nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực hiện…. Một số ý kiến cho rằng trong giải pháp thực hiện cần lựa chọn những lĩnh vực đột phá, có sự tác động lớn tới xã hội để thực hiện để thực sự tạo ra chuyển biến.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ, đã khắc phục được hạn chế của các năm trước đó là cân đối hài hoà giữa đánh giá về kinh tế và xã hội. Các ý kiến tại phiên họp đã cung cấp nhiều thông tin để đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện kinh tế xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị những chỉ tiêu giảm, không đạt được cần được phân tích rõ, phân tích đúng thực trạng của nền kinh tế. Qua các ý kiến đóng góp để ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh góp phần hoàn thiện báo cáo trước khi trình Quốc hội.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đất đai (sửa đổi) nêu rõ mục đích sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế- xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 194 điều. So với Luật Đất đai năm 2003, bố cục dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tăng thêm 6 chương và 48 điều.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhận xét trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật đất đai chưa nói tới trong tổng số vụ khiếu kiện có bao nhiêu vụ liên quan tài sản trên đất, liên quan đến đất đai là bao nhiêu vụ, trong đó liên quan tới đơn giá giải phóng mặt bằng là bao nhiêu vụ … Đại biểu đề nghị ban soạn thảo kết hợp Thanh tra Chính phủ làm rõ, thống kế các vụ khiếu kiện về đất đai. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn nữa vai trò chủ sở hữu trong những chương như chương liên quan tới định giá đất.

Nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tỉnh và huyện; bổ sung việc lập quy hoạch, kế hoạch sửa dụng đất của các vùng kinh tế- xã hội và thực hiện lồng ghép quy hoạch này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; lồng ghép quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Như vậy sẽ khắc phục được tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng; góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, nhất là cấp xã.

Về cơ chế thu hồi đất, dự thảo Luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”; sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề giao đất; định giá đất; xử lý đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài…/.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)