Phiên họp thứ Mười hai của Ủy ban thường vụ Quốc hội

08/10/2012

Chiều 6.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến vào Tờ trình QH về Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Thủ đô.

* Tờ trình QH về Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn: Quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, có cơ sở pháp lý

 * Dự án Luật Thủ đô: Để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô thì cần thiết phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù

 

 

Chiều 6.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến vào Tờ trình QH về Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Thủ đô.

 

Theo Tờ trình QH về Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, việc xây dựng Nghị quyết này là nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để QH, HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người này trước QH, HĐND cũng như trước cử tri cả nước và từng địa phương. Việc xây dựng Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ; bổ sung căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc... Ngoài ra, kết quả của lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một căn cứ để UBTVQH, Thường trực HĐND trình QH, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

 

Theo Tờ trình, việc xây dựng quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn phải được tiến hành trên cơ sở các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ và yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm. Cùng với đó, quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, có cơ sở pháp lý...

 

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, cơ bản tán thành với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết cũng như mục đích và yêu cầu đối với công tác này. Cụ thể, cơ quan thẩm tra tán thành với việc mở rộng phạm vi quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ đối với người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn mà còn đối với cả những người giữ chức vụ do HĐND bầu để có thể sớm triển khai đồng bộ việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm từ Trung ương đến địa phương.

 

Về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành với quy định về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm bao gồm toàn bộ những người do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn như trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ chỉ nên đặt ra đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Việc mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn Thư ký Kỳ họp QH... là quá dàn trải, dễ làm cho hoạt động này trở nên hình thức.

 

Về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, UBTVQH cơ bản tán thành quy định QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ tại kỳ họp đầu tiên kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Ban của HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình. Cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ của QH, HĐND vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu đánh giá quá thường xuyên dễ tạo tâm lý dĩ hòa vi quý, e dè, ngại đổi mới, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong công việc. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, nên lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm kể từ năm thứ nhất của nhiệm kỳ, vì nếu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp đầu tiên kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ là thời điểm giữa năm, thì sẽ làm mất tính thời sự của công việc quan trọng này.

 

Theo Báo cáo về việc tiếp thu ý kiến của UBTVQH chỉnh lý dự án Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, các thành viên UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô, bố cục dự thảo luật, nguyên tắc xác định và phạm vi các lĩnh vực đặc thù quy định trong dự thảo Luật. Về nội dung của dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhất trí với đề xuất và phương án lựa chọn của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng nhiều quy định quan trọng khác của dự thảo Luật còn chung chung, chưa mang tính quy phạm; một số cơ chế chính sách được đề ra nhưng mang tính nguyên tắc, chưa quy định rõ chế độ, định mức được quy định cụ thể ngay trong Luật.

 

Dưới góc độ cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô thì cần thiết phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Hiện nay, một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô thời gian qua còn có nguyên nhân chủ qua là do công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm... Do vậy, bên cạnh việc banh hành Luật Thủ đô, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần sớm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô.

 

 

 

Quang Khánh

(http://daibieunhandan.vn)