Hoạt động điều trần hay giải trình đã được QH, Nghị viện các nước áp dụng từ khá lâu và là một trong những công cụ hữu hiệu để thu thập thông tin và làm rõ vấn đề Quốc hội quan tâm với các bên liên quan. Điều trần là hoạt động của các Ủy ban của QH nhằm phục vụ cả hoạt động lập pháp và giám sát. Do vậy, hoạt động điều trần, giải trình tại QH của các nước trên thế giới được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản và được tiến hành thường xuyên (hàng tuần, hàng tháng).
Tại Việt Nam, hoạt động này mặc dù chưa được thể chế hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật nhưng cũng đã được tổ chức hoạt động thí điểm ở một số địa phương, HĐDT và các Ủy ban của QH và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Điều trần là các hoạt động yêu cầu giải trình về 1 chủ đề phục vụ hoạt động lập pháp và giám sát. Các ủy ban của QH Việt Nam gọi hình thức này là phiên giải trình. Phiên giải trình nhằm thu thập thông tin, giới thiệu sự quan tâm của Ủy ban, HĐDT; tăng cường tính minh bạch của hoạt động của QH; tạo sự đồng thuận xã hội, giảm áp lực; đồng thời gạn lọc khỏi chương trình những nội dung chưa bảo đảm... Tại buổi tọa đàm, Các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày kinh nghiệm và những nét khái quát: về việc vận dụng giải trình tại Việt Nam; quy trình thực hiện một phiên giải trình; quy trình tổ chức phiên giải trình ở cơ quan dân cử Việt Nam; các công cụ thẩm tra, giám sát đã thực hiện ở cơ quan dân cử Việt Nam…
Tọa đàm là dịp để các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, cung cấp cho ĐBQH, HĐDT và các Ủy ban của QH hiểu rõ hơn về hoạt động điều trần, giải trình và có thể góp phần hoàn thiện khung pháp lý đưa hoạt động điều trần, giải trình vào chương trình làm việc chính thức của các Ủy ban nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho các hoạt động chung của QH.