Kính thưa Bà Pany Yathotu, Chủ tịch QH nước CHDCND Lào, Chủ tịch ASEP 7
Kính thưa các quý vị đại biểu;
Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi tới Bà Chủ tịch và các quý vị lời chào trân trọng và những tình cảm hữu nghị thắm thiết nhất. Chúng tôi chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã dành cho Đoàn chúng tôi sự đón tiếp nhiệt tình, trọng thị và sự chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị của chúng ta.
Thưa Bà Chủ tịch,
Trải qua 16 năm hình thành và phát triển, diễn đàn ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại, hợp tác lớn nhất giữa hai châu lục Á - Âu dựa trên ba trụ cột: an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và lôi cuốn ngày càng nhiều nước mong muốn tham gia. Nhằm mục đích bảo đảm sự gắn kết và bổ sung lẫn nhau giữa kênh hành pháp và lập pháp của hai châu lục, với tư cách là đại biểu của nhân dân và vì nhân dân, các thành viên ASEP đóng một vai trò không thể thay thế trong việc làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng sự tương đồng và thúc đẩy sự hợp tác ngày một sâu rộng hơn giữa châu Á và châu Âu.
Hội nghị ASEP 7 của chúng ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình hình chính trị, an ninh diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có nguy cơ tiếp tục lan rộng mặc dù Liên minh châu Âu đã áp dụng các giải pháp cứu trợ tích cực. Tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế tại Mỹ và khủng hoảng nợ châu Âu. Cùng với những biến động về kinh tế, chính trị, cả châu Âu và châu Á cũng như các khu vực khác trên thế giới đều phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh lương thực... tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Những vấn đề này, một quốc gia đơn lẻ không thể tự giải quyết mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, Quốc hội các nước và các tổ chức quốc tế.
Thưa Bà Chủ tịch,
Tại Hội nghị lần này, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề nợ công. Nhận thức tính phụ thuộc và liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nền kinh tế, các khu vực, Quốc hội Việt Nam Khóa XII đã thông qua Luật Quản lý nợ công, có hiệu lực từ tháng 1.2010 và hiện đang xây dựng Đề án chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Việt Nam hiện đang chú trọng tăng cường hiệu quả đầu tư, thay đổi cơ cấu nguồn vốn, đảm bảo trả nợ đến hạn và giảm dần vay nợ.
Về vấn đề quản lý rủi ro thiên tai, Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng, vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước. Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam luôn được coi là cuộc đấu tranh sinh tồn, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Việt Nam quan tâm và triển khai trong nhiều thế kỷ qua, đặc biệt quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là phương pháp tiếp cận hiện đại đã được áp dụng và đạt hiệu quả nhất định. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đánh giá và giảm nhẹ rủi ro, hệ thống cảnh báo sớm, tìm kiếm, cứu hộ và xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở sau thiên tai trên cơ sở Khuôn khổ hành động Hyogo 2005 - 2015 và các nghị quyết khác của Liên Hợp Quốc.
Với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, Việt Nam nhận thấy, với tình trạng các thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra, hơn bao giờ hết, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực đang trở nên vô cùng cấp bách và là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững của các quốc gia. Chính vì vậy, các thành viên ASEP cần ủng hộ việc thúc đẩy các biện pháp nâng cao hiệu quả nông nghiệp và sản xuất lương thực nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho các thành viên ASEM, tăng cường điều phối chính sách quốc tế, phát triển thị trường lương thực minh bạch và chống các biện pháp bảo hộ; đồng thời đẩy mạnh các hình thức hợp tác ba bên, kết hợp nguồn lực và chuyên môn của các nước tài trợ và nhận tài trợ để phát triển nông nghiệp trong khu vực ASEM.
Thưa Bà Chủ tịch,
Thưa các quý vị đại biểu,
Thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của diễn đàn ASEP với mong muốn gắn bó với quá trình liên kết Á - Âu và sẵn sàng hợp tác cùng các thành viên khác nhằm vượt qua những thách thức và tận dụng những cơ hội của hợp tác Á - Âu trong thập niên tới.
Cuối cùng, tôi xin chúc Hội nghị ASEP 7 thành công tốt đẹp. Chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin cám ơn sự quan tâm theo dõi của các quý vị.