PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG NĂM 2020 QUY ĐỊNH RÕ CÁC NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

19/02/2021

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh,tri ân, đãi ngộ đối với những cống hiến của người có công. Vừa qua, Chủ tịch nước đã có Lệnh về việc công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020. Theo đó, Pháp lệnh lần này đã quy định rõ các nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Họp báo công bố pháp lệnh

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Đối tượng áp dụng của Pháp lệnh là người có công với cách mạng; Thân nhân của người có công với cách mạng; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Tại Điều 44 của Pháp lệnh đã quy định rõ các nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh này. Các nguồn tài trợ, biếu, tặng cho, ủng hộ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài. Các nguồn lực hợp pháp khác.

Về nguồn lực ngân sách nhà nước, Điều 45 quy định ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi sau đây: Chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, hằng năm, một lần; Chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; chi giám định y khoa; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; Tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; Hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; Hỗ trợ việc thăm viếng mộ liệt sĩ và di chuyển hài cốt liệt sĩ; Chi phí quản lý đảm bảo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng do Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ; Đầu tư xây dựng, hỗ trợ hoạt động của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng và cơ sở đón tiếp người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý; Chi các khoản ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.

Ngân sách địa phương bảo đảm các nhiệm vụ chi sau đây: Tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ; Chi tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tổ chức lễ tang khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần; Đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; Chi thường xuyên của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng và cơ sở đón tiếp người có công với cách mạng thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật; Chi thăm hỏi, động viên người có công với cách mạng và gia đình nhân dịp lễ, tết; Bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng do địa phương ban hành.

Về huy động nguồn lực xã hội, Điều 46 Pháp lệnh quy định Nhà nước có chính sách đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; tu bổ, tôn tạo công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng. Tổ chức, cá nhân đóng góp các nguồn lực quy định tại khoản 1 Điều này không vì mục đích lợi nhuận được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Điều 47 của Pháp lệnh có quy định Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã bằng sự đóng góp theo trách nhiệm và tình cảm của tổ chức, cá nhân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Chính phủ quy định chế độ quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa./.

Hồ Hương

Các bài viết khác