Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa thành công tốt đẹp và đã bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng. Một trong những nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật” là để Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thực sự đi vào cuộc sống thì cần hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng cần phải triển khai những nhiệm vụ cụ thể như nào.
Giáo sư, Phó Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nhấn mạnh đến phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Để văn kiện đi vào cuộc sống thì các cơ quan chức năng, cả hệ thống chính trị phải thực sự nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu đó.
Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (giữa) phát biểu tại Tọa đàm.
Vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân là vấn đề lớn đã được Đảng ta quan tâm qua nhiều kỳ Đại hội. Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân được hoàn thiện thêm một bước mới. Cụ thể, chúng ta bổ sung, hoàn chỉnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được thực hiện trong nhiệm kỳ vừa rồi. Lần này bổ sung thêm 2 vấn đề lớn: dân giám sát và dân thụ hưởng trở thành ra một phương châm hoàn chỉnh.
Vấn đề giám sát và thụ hưởng là những vấn đề rất là quan trọng, có ý nghĩa lớn. Nếu như chúng ta phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân thì có thể ngăn ngừa từ sớm những tiêu cực trong xã hội, trong đội ngũ cán bộ. Có lẽ không ai hiểu tổ chức, không ai hiểu cán bộ, đảng viên bằng nhân dân. Có nhân dân giám sát chặt chẽ, hàng ngày, kịp thời góp ý, kịp thời phê bình thì cán bộ dễ nhận thức và sửa chữa được, không mắc vào các sai lầm đáng tiếc phải xử lý như thời gian vừa qua.
Theo Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, vấn đề dân thụ hưởng cần được hiểu người dân là người trực tiếp làm ra của cải vật chất thì nhân dân phải là chủ thể để thụ hưởng những thành quả do mình làm ra. Đó là bản chất của chế độ xã hội và đó cũng là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội. Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII bổ sung thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng” là một bước tiến mới và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Nếu chúng ta thực hiện đúng vấn đề này thì sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước. Điều quan trọng là chủ trương thì rõ, đường lối thì đúng, vấn đề là thực hiện thế nào.
Phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại hội thành công là bước đầu, còn tinh thần Đại hội, tư tưởng Đại hội có vào cuộc sống hay không, đó mới là thành công thật sự”. Vấn đề dân giám sát, dân thụ hưởng quá đúng, nếu muốn làm được điều này phải là nhận thức từ cấp trên xuống dưới, nhất là từ cơ sở, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, phường, phải thấm nhuần điều này và phải có cơ chế cụ thể.
Để dân giám sát, phải có cơ chế nào, dân thụ hưởng thì cơ chế thế nào, quy định thế nào và nhất là phải có chế tài, đường lối của Đảng. Như vậy, nếu không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm ra sao, nếu gây khó dễ cho vai trò giám sát của dân, trách nhiệm xử lý thế nào. Nếu vi phạm lợi ích của dân thì xử lý thế nào? Lâu nay, chế tài chưa đủ mạnh, do đó mà đường lối thì đúng, chủ trương thì hay nhưng vào trong thực tiễn, thậm chí có nơi vào cuộc sống bị méo mó đi, khiến quần chúng kém phấn khởi, thậm chí là thiếu tin tưởng. Những bất cập này cần phải quyết tâm khắc phục.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương (giữa) nêu quan điểm.
Đưa ra quan điểm để đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng vào cuộc sống được hiệu quả, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương khẳng định: Dấu ấn rất quan trọng của Đại hội lần này là chúng ta đã đặt ra tầm nhìn, mục tiêu không phải chỉ một nhiệm kỳ mà còn hướng đến năm 2045 là 100 năm thành lập nước. Có thể nói, một tầm nhìn chiến lược và đi cùng với tầm nhìn đó thì chúng ta cũng đề ra khơi dậy ý chí, khát vọng thống nhất ý chí và quyết tâm hành động của toàn Đảng, toàn dân tộc để thực hiện. Tất cả các đảng viên, các công dân của chúng ta đều là một chủ thể để thực hiện khát vọng, ý chí này.
Chúng tôi cũng được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì chắc chắn cũng nhận thức được trách nhiệm của mình, đóng góp cho phù hợp. Thứ nhất, về những đóng góp chung thì chắc chắn là sẽ phải cùng với Ban Chấp hành Trung ương để có những đóng góp, có trách nhiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội, các chủ trương, các chính sách giải quyết các vấn đề lớn mà trên tinh thần của khát vọng, tầm nhìn này cũng như những quan điểm, phương hướng mà Đại hội đã đặt ra.
Còn với lĩnh vực cụ thể mà chúng tôi được phân công phụ trách thì chắc chắn là phải quán triệt để triển khai thực hiện nghị quyết. Cụ thể, trong công tác đối ngoại có rất nhiều nội dung kế thừa và cũng có rất nhiều nội dung mới. Việc quán triệt để triển khai thực hiện một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và đưa các nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống là trách nhiệm chúng tôi ý thức để triển khai thực hiện./.