CHƯA CÓ SỰ THỐNG NHẤT TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN LIÊN QUAN ĐẾN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

19/02/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết kết, quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy chưa có sự thống nhất trong việc xác định thẩm quyền liên quan đến thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Cụ thể, qua rà soát cho thấy, chưa có sự thống nhất trong việc xác định thẩm quyền của Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự với thẩm quyền của Tòa án trong việc phân định quyền sở hữu tài sản giữa vợ, chồng liên quan đến thi hành án dân sự

Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) quy định: Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

Quy định trên dẫn tới cách hiểu khác nhau về thẩm quyền của Chấp hành viên và thẩm quyền của Tòa án nên nhiều trường hợp tuy Chấp hành viên không thể xác định nhưng Tòa án cũng không thụ lý giải quyết nhất là trường hợp các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, nếu chia đôi thì rất bất cập (1/2 tài sản của vợ chồng người phạm tội tham nhũng, kinh tế sẽ rất lớn, gây thất thoát tài sản của Nhà nước).

Phương án xử lý là đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án địa phương thụ lý đề nghị phân chia tài sản chung vợ chồng để làm cơ sở thi hành án tiếp. Về lâu dài cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan để thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Ngoài ra, qua rà soát cũng cho thấy, pháp luật quy định không đồng bộ và chưa có giải pháp hiệu quả để thực hiện cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định trong thi hành án dân sự.

Điều 118 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên xử lý như sau: Trường hợp công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện; chi phí thực hiện do người phải thi hành án chịu; Trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Điều 74 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

Quy định trên có vướng mắc đối với trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện (buộc một bên phải thực hiện hoàn thành một công việc cần có sự thỏa thuận hợp tác của bên được thi hành án rất khó xác định lỗi để xử phạt vi phạm hành chính nếu các bên không tự nguyện hợp tác, cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan liên quan khác không thể làm thay), cơ quan thi hành án dân sự tuy đã áp dụng hết các biện pháp theo thẩm quyền (trong trường hợp xử phạt hành chính với pháp nhân) nhưng cũng không thể buộc người phải thi hành án thực hiện và cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì Bộ luật Hình sự chỉ quy định một số tội danh đối với pháp nhân thương mại, không có cơ chế xử lý đối với pháp nhân không thi hành án.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, phương án xử lý vấn đề này là nghiên cứu sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan./.

Hồ Hương

Các bài viết khác