Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương đưa ra một số kiến nghị: các doanh nghiệp xây dựng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhưng thiếu các hướng dẫn cụ thể của các Bộ liên quan nên rất lúng túng trong việc sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp ở các ngành chuyển đổi sang hình thức hoạt động mới theo Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời đề nghị Nhà nước cần đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, tiềm lực khoa học, công nghệ thông qua các dự án đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và xem xét lại thời gian chuyển đổi phù hợp với mỗi loại hình tổ chức khoa học, công nghệ; hướng dẫn hoạt động Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở các địa phương; chỉ đạo việc tổ chức đăng ký kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia...
Đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách pháp luật khoa học và công nghệ ở tỉnh Bình Dương, đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp của tỉnh về nội dung Dự thảo Luật khoa học và công nghệ sửa đổi, đại diện Đoàn giám sát đề nghị, trong thời gian tới, Bình Dương phải xác định được nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm và trong kế hoạch 5 năm chung của cả nước để tránh trùng lắp. Tỉnh cần có hội đồng khoa học có chuyên môn tham mưu, tư vấn, xác định nhiệm vụ và phê duyệt hoạt động khoa học và công nghệ; chú trọng kiểm soát trình độ công nghệ của doanh nghiệp phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp có công nghệ cao và bền vững. Trong phát triển mạng lưới khoa học và công nghệ, tỉnh phải quan tâm công tác quy hoạch mạng lưới trường, doanh nghiệp, cơ quan, hội, tư nhân để phân loại nhiệm vụ, liên kết thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có hiệu quả...