* Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Với chức năng quản lý nhà nước, với phạm vi trách nhiệm của mình, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ chỉ có nhiệm vụ đề ra những biện pháp khắc phục chung
Sáng 22.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Mười.
Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Chất vấn của các ĐBQH đối với Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tập trung vào trách nhiệm của cá nhân Tổng thanh tra và ngành thanh tra trong việc phát hiện, kiến nghị xử lý các sai phạm tại các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước; hiệu quả của hoạt động thanh tra, kết luận thanh tra đối với công tác phòng, chống tham nhũng...
Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), việc Thanh tra Chính phủ không chấp hành quy định của pháp luật hiện hành về thời hạn ra kết luận thanh tra đã ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng. Đại biểu chỉ rõ: tại báo cáo sơ kết 5 năm về phòng chống tham nhũng trình trước QH, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố, xét xử các vụ tham nhũng. Tuy nhiên, chính Thanh tra Chính phủ lại không chấp hành đúng quy định của pháp luật về thời hạn ra kết luận thanh tra, nếu không muốn nói là có dấu hiệu trì hoãn ra kết luận thanh tra, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng. Trả lời chất vấn về vấn đề này, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận: đúng là có nhiều vụ Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra chậm. Tuy nhiên, về nguyên nhân, Tổng thanh tra Chính phủ, khi hoàn tất công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ phải trao đổi ý kiến với các bộ, các cơ quan chuyên ngành nhằm làm rõ những lĩnh vực mà Thanh tra chưa thể nắm bắt hết, từ đó mới ra kết luận thanh tra. Trên thực tế, tiền lệ ra kết luận thanh tra chậm cũng có nguyên nhân từ các bộ; nhất là có những bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ đã gửi xin ý kiến hai tháng vẫn chưa trả lời. Nhận trách nhiệm đôn đốc việc lấy ý kiến của các bộ, ngành chậm là của Thanh tra Chính phủ, song Tổng thanh tra cũng đề nghị, cần làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tham gia ý kiến vào kết luận thanh tra.
Liên quan đến nguyên nhân gia tăng các vụ việc tham nhũng, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn: Thanh tra Chính phủ nêu một trong những điều kiện làm nảy sinh tình trạng tham nhũng là do cơ chế xin - cho. Vậy theo Tổng thanh tra, cơ chế xin - cho ở nước ta liệu có xóa bỏ được không? Chất vấn cùng nội dung này, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, trong đó về mặt cơ chế, chính sách còn bất cập do chưa xóa bỏ được cơ chế xin - cho. Vấn đề là, tại sao công việc hệ trọng được cử tri đặc biệt quan tâm là phòng, chống tham nhũng lại chưa được Thanh tra Chính phủ báo cáo rõ ràng và cụ thể, điển hình như Thanh tra Chính phủ cũng không nêu rõ được dấu hiệu tham nhũng tại 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Thanh tra Chính phủ đã thanh tra? Tổng thanh tra cho biết: Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục đề nghị với Chính phủ thực hiện điều chỉnh một số chủ trương nhằm hạn chế cơ chế xin - cho. Còn vịêc báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tham nhũng còn chung chung là do, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; giúp Chính phủ theo dõi quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các chủ trương về phòng, chống tham nhũng; đồng thời thực hiện việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định về phòng, chống tham nhũng. Như vậy, với chức năng quản lý nhà nước, với phạm vi trách nhiệm của mình, Thanh tra Chính phủ chỉ đề ra những biện pháp khắc phục chung; còn những biện pháp cụ thể, thì vừa qua Ban Chấp hành Trung ương đã ra kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 về việc phòng, chống tham nhũng; các bộ, ngành cần tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 về phòng, chống tham nhũng. Đối với việc thanh tra các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Tổng thanh tra cho biết: thời gian qua, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại các tập đoàn, tổng công ty, Thanh tra Chính phủ đã chuyển 3 vụ sang cơ quan điều tra.
Chưa đồng tình với phần trả lời chất vấn của Tổng thanh tra Chính phủ, một số ĐBQH đã yêu cầu Tổng thanh tra Chính phủ giải trình rõ vì sao qua thanh tra, kết luận thanh tra việc phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng còn ít. Theo ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), Thanh Tra Chính phủ cần làm rõ có hay không xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng? Đối với những giải pháp phòng ngừa tham nhũng, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ nêu rõ những nội dung cần sửa đổi trong Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm phát huy tác dụng của Luật trong thực tế.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ, việc phát hiện số vụ phòng chống tham nhũng thấp là do trong thời gian dài nước ta chưa có thống kê số vụ tham nhũng nên trong những năm đầu thống kê, số liệu về tham nhũng sẽ cao hơn. Thứ hai là do hành vi tham nhũng rất tinh vi và tiềm ẩn. Người tham nhũng lại thường là người có chức vụ quyền hạn, nên việc phát hiện các hành vi tham nhũng là rất khó... Tổng thanh tra cũng thừa nhận nhận định của đại biểu về tình trạng thanh tra viên nhũng nhiễu, làm ảnh hưởng đến kết luận thanh tra là có và hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm này. Cụ thể, từ năm 2007 – 2012, đã xử lý 16 cán bộ vi phạm. Việc thanh tra nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, lọt, lộ thông tin sẽ được Thanh tra Chính phủ tích cực quản lý; tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong quản lý giáo dục cán bộ thanh tra, thực hiện văn hóa thanh tra.
Về việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, với trách nhiệm là cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, Tổng thanh tra nêu rõ: dự thảo Luật sẽ được trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ Tư, trong đó, đặt ra 7 nội dung sửa đổi là quy định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác; mở rộng thêm các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập bao gồm tất cả Đảng viên là cán bộ công chức, viên chức đang công tác, trừ Đảng viên về hưu; quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập; quy định việc xử lý tài sản không được giải trình một cách hợp lý; quy định biện pháp tạm thời, đình chỉ hoặc chuyển vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu vi phạm; về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng theo Điều 73 của Luật Phòng, chống tham nhũng; quy định trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan nhà nước các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng...