Dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh vừa được trình UBTVQH cho ý kiến nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân. Tán thành rất cao với sự cần thiết ban hành luật này, song, các Ủy viên UBTVQH lại chưa hài lòng với nhiều điều khoản cụ thể của dự thảo Luật. Đặt tham vọng rất lớn, diện áp dụng rất rộng và kỷ luật rất ngặt nghèo - dường như cơ quan soạn thảo đang có xu hướng hành chính hóa việc giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh. Đi theo hướng này, các Ủy viên UBTVQH cho rằng: sẽ rất khó để kiến thức quốc phòng, an ninh có thể đi vào lòng dân...
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Hết sức cân nhắc việc thành lập một Hội đồng giáo dục quốc phòng, an ninh từ Trung ương xuống cơ sở
Để thực hiện quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân thì việc ban hành Luật này là cần thiết nhằm mục tiêu trang bị những kiến thức cơ bản về quốc phòng, an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân người Việt Nam theo hướng như trong Điều 2 của dự thảo Luật và cũng để thực hiện quy định của Hiến pháp của nhà nước ta là giáo dục quốc phòng toàn dân. Tờ trình của Chính phủ có đề cập đến quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu việc xây dựng Luật. Chỗ này ta vừa đặt vấn đề quan niệm, vừa đặt vấn đề nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu nên ở đây cần phải phân biệt quan điểm mục tiêu, yêu cầu của dự án Luật khác với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của quá trình xây dựng Luật. Điều 4 của dự thảo Luật có 4 quan điểm nhưng trong Tờ trình có 6, 7 điểm. Vậy chỗ nào là quan điểm, chỗ nào là nguyên tắc, chỗ nào là mục tiêu, chỗ nào là yêu cầu? Cần thuyết minh, giải trình cho rõ ràng. Những gì là quan điểm của luật này cần phải tuân thủ trong quá trình tổ chức thực hiện, những gì là yêu cầu mục tiêu quan điểm của quá trình xây dựng luật, ví dụ bảo đảm tính công khai, dân chủ, tiếp thu những ý kiến hợp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong quá trình soạn thảo; nghiên cứu có chọn lọc về tổ chức giáo dục quốc phòng của các nước trên thế giới để vận dụng vào trong luật của chúng ta. Đấy là yêu cầu trong quá trình xây dựng luật nhưng tính kế thừa, tính thực tiễn, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Hiến pháp, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng - là những nguyên tắc của luật mà chúng ta phải thực hiện.
Điều 32 quy định nội dung quản lý Nhà nước về giáo dục quốc phòng, an ninh có Khoản nói: quy định mục tiêu, chương trình, nội dung, biên soạn, xuất bản, giáo trình, sách giáo khoa. Chỗ này tôi thấy mấy điều sau không rõ giao cho bộ nào chịu trách nhiệm chính chủ trì. Không biết các anh nói nội dung này giao cho bộ nào? Theo Luật Giáo dục, nội dung chương trình, giáo trình giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo là cơ quan giúp cho Chính phủ thống nhất quản lý về mặt Nhà nước. Chỗ này nên chăng để ở trách nhiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo mà phải phối hợp với Bộ Quốc phòng, phối hợp với Bộ Công an trong quá trình xây dựng chương trình nội dung đó. Phải quy định cụ thể, chứ không sau này lại không rõ. Điều 39, Hội đồng giáo dục quốc phòng, an ninh là cơ quan tư vấn chỉ đạo giáo dục quốc phòng, an ninh được thành lập từ Trung ương đến cơ sở; rồi có cơ quan bộ phận chuyên trách thì nên xem lại vì thực tế bây giờ, tôi thấy rất nhiều loại hội đồng này. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, quốc gia do Thủ tướng thành lập để chỉ đạo, điều phối, phối hợp các lực lượng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và có ở cấp Trung ương, có ở cấp tỉnh, cấp huyện. Bây giờ liên quan đến mảng giáo dục, quốc phòng, an ninh lại cũng có một hội đồng từ Trung ương xuống đến tận cơ sở. Trong Hội đồng này có một cơ quan thường trực nữa thì không biết cơ quan thường trực này có kiêm nhiệm không hay lại chuyên trách?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Dự thảo Luật đặt tham vọng rất lớn – cần tính lại cho hợp lý
Tôi đồng tình về sự cần thiết phải có luật về phổ biến kiến thức an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên khi tôi đọc dự thảo luật thì thấy đặt ra tham vọng rất lớn, diện áp dụng đặt ra rất rộng và cũng đưa ra những kỷ luật rất ngặt nghèo, ví dụ nếu trường hợp nào trốn không học giáo dục quốc phòng thì hành vi đó xử lý giống như trốn nghĩa vụ quân sự... Phải tính toán lại cho hợp lý. Có lẽ, nên tính xem phương pháp giáo dục an ninh, quốc phòng nên như thế nào. Nếu có cách nào đó để việc học, việc nghiên cứu đi vào lòng dân, từ kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến cũng không có ai hướng dẫn kiến thức quốc phòng, như kháng chiến chống Pháp, nhưng thông qua công tác tuyên truyền, học tập, hỏi bất cứ một người dân nào cũng biết cuộc kháng chiến chống Pháp có 3 giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, cầm cự, tổng phản công, chúng tôi là học sinh phổ thông qua các trường lớp, qua các môn học, qua lịch sử đều biết nhiệm vụ an ninh quốc phòng như thế nào. Nhưng cách đặt vấn đề như trong dự thảo Luật, tôi có cảm giác có lẽ chúng ta hơi hành chính hóa chuyện học tập này, nếu không sẽ không thành công. Người ta có câu: “Cám ơn trường hành chính công. Học thì nhiều đấy nhưng không hiểu gì”. Cho nên phương pháp học, dạy kiến thức quốc phòng, an ninh có lẽ nên kết hợp học tập với tuyên truyền, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức phong phú thì đi vào lòng người hơn là trường lớp bắt buộc. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng cần học tập bắt buộc nhưng đưa ra rộng như thế này thì tính khả thi không cao.
Điều 29, đúng như anh Nguyễn Văn Hiện đã phân tích, chúng ta ghi như thế này thì dựa vào sau này để lập ngân sách nhưng khi đọc kỹ thấy rất nhiều khoản phải chi. Ví dụ phải có trung tâm bồi dưỡng kiến thức, hiện chúng ta đã có rất nhiều trung tâm rồi, nào là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chính trị, trung tâm dạy nghề, bây giờ lại thêm một trung tâm nữa, không biết trung tâm này là ở cấp nào, cấp tỉnh hay cấp huyện, đầu tư cho nó như thế nào, xây dựng ra làm sao? Đến trung tâm này thì lại phải có chi phí, phải cho người ta ăn, cho người ta nghỉ, lại công tác phí... Tại sao câu chuyện đào tạo của chúng ta lại không thực hiện tại chỗ được? Chỉ cần một đồng chí sỹ quan quân đội xuống hướng dẫn ở các đơn vị doanh nghiệp đó việc gì phải thành lập trung tâm? Nếu có thì chỉ là các đồng chí cao cấp, trung cấp thì đi hẳn về các trường của hệ thống quân sự để học trong một thời gian nào đó. Nếu cứ theo hướng này, thậm chí đối với các doanh nghiệp cũng yêu cầu là phải có một khoản chi phí thì chi phí này sẽ như thế nào, các doanh nghiệp có chịu được không, thậm chí chi phí đối với doanh nghiệp nước ngoài như thế nào? Trong luật này các đồng chí chưa chỉ ra là vậy thì cứ 1 năm kinh phí về ngân sách và chi phí về việc này là bao nhiêu, tác động như thế nào, bao nhiêu tiền thì mới biết được sẽ như thế nào. Rất nhiều luật chúng ta đưa ra các chính sách ưu tiên thế này, khuyến khích thế kia nhưng hỏi phải chi bao nhiêu tiền? Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc tất cả chính sách này thì ngân sách nhà nước có chịu được không? Tôi đề nghị phải rà soát lại và có đánh giá tác động rất đầy đủ thì mới có điều kiện để thông qua luật này ở các góc độ khác nhau, trong đó có vấn đề của Luật Ngân sách Nhà nước và vấn đề liên quan đến kinh phí để thực hiện luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Một bộ thống nhất quản lý nhà nước nhưng trách nhiệm của các bộ có liên quan phải được quy định cụ thể
Tên Luật là Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh nhưng nội hàm của nó thì phân biệt ra giáo dục phổ biến và bồi dưỡng. Trong dự thảo Luật này, giáo dục chỉ tập trung trong nhà trường; còn bồi dưỡng thì tập trung cho cán bộ công chức nhà nước, cho doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ngoài nhà nước, chức sắc tôn giáo và phổ biến chung cho toàn xã hội. Vì vậy nếu lấy tên Luật là Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh cũng được, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa rộng là bồi dưỡng, phổ biến cũng là phần nào giáo dục. Nhưng đi vào luật lại tách biệt rất cụ thể, anh nào là giáo dục, anh nào là bồi dưỡng, anh nào là phổ biến. Tách biệt như vậy cũng có điểm mạnh, tức là làm rõ các đối tượng điều chỉnh để trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật được thuận lợi. Nhưng việc hòa quyện giữa 3 vấn đề này trong dự thảo Luật có lẽ phải tính toán thêm. Tôi nghĩ phổ biến hay bồi dưỡng cũng nằm trong phạm vi của giáo dục. Như vậy làm sao để 3 nội dung này không tách biệt quá mức.
Điều 1 nói về vấn đề trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân, ở đây chúng ta chỉ quy định trách nhiệm. Nhưng tới Điều 5 là quyền, nghĩa vụ của công dân. Tôi đề nghị về phạm vi điều chỉnh cho đồng bộ là trách nhiệm hay nghĩa vụ đối với quốc phòng, an ninh? Tôi đề nghị dùng chữ trách nhiệm cho nhẹ nhàng hơn và người ta có thể tiếp cận với những vấn đề dưới góc độ quyền tốt hơn. Điều 5 tôi cũng cần sửa lại cho đồng bộ với phạm vi điều chỉnh tại Điều 1. Điều 7, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 chúng ta có nói đối tượng được hoãn bồi dưỡng hoặc phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, tôi đề nghị bỏ đối tượng được hoãn phổ biến. Về hình thức áp dụng tại những điều sau rất rộng, ở đây chúng ta có nói về các hình thức phổ biến là phương tiện thông tin đại chúng, nếu chúng ta tuyên truyền một cách rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng có cần thiết gì phải đưa đối tượng phổ biến kiến thức được hoãn không, hay chúng ta lồng ghép trong các hoạt động thiết chế văn hóa, tôi thấy hình thức phổ biến rất nhẹ nhàng. Vì vậy, chúng ta không nên đưa vào đối tượng được hoãn phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, nghe căng thẳng quá.
Về quản lý Nhà nước, tôi thống nhất chỉ một bộ thống nhất quản lý nhà nước về vấn đề này. Vì đây là chung từ trước đến nay thì giao cho Bộ Quốc phòng là hợp lý. Tuy nhiên, vì là giáo dục quốc phòng, an ninh, vấn đề an ninh cực kỳ quan trọng, nhất là trong điều kiện hiện nay nữa thì an ninh chúng ta cần tiếp tục nâng cao lên. Vì vậy, tôi đề nghị tách riêng một điều về trách nhiệm của Bộ Công an để đồng bộ với trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, cần tách riêng một điều về trách nhiệm của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Giáo dục tập trung trong nhà trường là chính. Bởi vậy, nên tách riêng một điều để làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục - Đào tạo và một điều về trách nhiệm của Bộ Nội vụ vì lực lượng cán bộ công chức nhà nước rất lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Nếu cần quy định khác với hệ thống pháp luật hiện hành thì phải có lý lẽ thuyết phục
Tên luật ở đây gọi là Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh. Trong thực tế chúng ta thường nói là quốc phòng và an ninh khi nói về quốc phòng, còn về công an là an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Từ an ninh nằm giữa, quốc phòng cũng dính, công an cũng dính cho nên rất khó. Cho nên tư tưởng chỉ đạo của Trung ương là phân công rành mạch thì tôi nghĩ luật này rõ và kể cả thể hiện trong nội dung điều luật chủ yếu về giáo dục quốc phòng và thực tế chúng ta đi học cũng về quốc phòng, còn về an ninh, trật tự xã hội, thực hiện những nhiệm vụ của Bộ Công an tôi nghĩ có thể điều chỉnh bằng Luật Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đủ rồi. Tôi đề nghị luật này chỉ điều chỉnh về phổ biến và giáo dục kiến thức về quốc phòng cho rành mạch, còn an ninh thì chung lắm, trong quốc phòng có an ninh, trong an ninh có quốc phòng. Nhưng để cho khỏi lẫn lộn, thì nên tách ra là Luật Phổ biến, giáo dục về kiến thức quốc phòng, còn công an thì sử dụng tốt cho tôi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tốt lắm rồi.
Về phạm vi điều chỉnh cũng phải tính lại. Điều 1 nói là luật này quy định về giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng nhưng từng điều một, chỗ nói giáo dục thì lại quên đuôi bồi dưỡng phổ biến, có chỗ là phổ biến tuyên truyền lại quên giáo dục, lẫn lộn, dùng không dùng hết, chỗ nọ xọ chỗ kia, dùng như thế nào cho hợp với câu đó, không phải bao hàm nội dung điều chỉnh. Tóm lại, nên tập trung tương tự như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong từng điều luật cũng phải ôm được 2 nội dung là phổ biến và giáo dục pháp luật về kiến thức quốc phòng. Có như vậy mới thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh có liên quan đến rất nhiều Luật như: Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Công chức, thậm chí cả Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước và một số luật khác nữa... Việc xây dựng dự luật này sẽ động chạm đến các luật kia. Trong quá trình làm luật có những cái phải trên cơ sở pháp luật chúng ta đã ban hành, thậm chí chúng ta ban hành những quy phạm pháp luật khác với những quy phạm pháp luật đã ban hành rồi, quan trọng là phải lý giải được tại sao lại khác hoặc tại sao lại trùng. Nhưng trong dự thảo Luật này có rất nhiều vấn đề, nội dung trùng hoặc khác mà không lý giải được tại sao trùng hoặc khác với các luật khác hoặc có lý giải thì cũng không có tính thuyết phục, lý lẽ đưa ra cũng chưa đến nơi đến chốn. Cơ quan soạn thảo phải xem lại chỗ này để bảo tính thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật hiện hành. Nếu không thống nhất, quy định khác với luật hiện hành thì cũng phải lý giải cho thuyết phục.