Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ một số vấn đề tại Kỳ họp thứ 10
Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu “Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” gồm 03 chỉ tiêu. Cụ thể:
Chỉ tiêu 1, rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020.
Theo kết quả Điều tra lao động việc làm năm 2019, phụ nữ dành gần 39 giờ một tuần cho công việc, cộng thêm 18,9 giờ làm việc nhà. Nam giới làm việc 40 giờ một tuần và có 8,9 giờ làm việc nhà. Như vậy, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới. Như vậy, chỉ tiêu này chưa đạt so với yêu cầu của Chiến lược.
Chỉ tiêu 2, đến năm 2020 ít nhất 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về tâm lý, pháp lý, được hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình và đạt 75% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình của giai đoạn 2011-2015 là 120.452 lượt người, năm 2016 là 18.104 lượt người, năm 2017 là 14.972 lượt người, năm 2018 là 8.580 lượt người, năm 2019 là 7.838 lượt người. Như vậy, tổng số lượt nạn nhân của bạo lực gia đình được tư vấn, được hỗ trợ và chăm sóc là 169.946 lượt người.
Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua); tỷ lệ phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực tình dục trong đời năm 2019 là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 là 9,9%; 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP năm 2018. Kết quả điều tra nêu trên cho thấy cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cấp, các ngành để triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
Chỉ tiêu 3, đến năm 2015 và duy trì đến năm 2020 có 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2019 có tổng số 300 người bị mua bán được giải cứu, tiếp nhận và tự trở về. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, các cơ quan chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ cho 300 nạn nhân bị mua bán trở về với các mức độ hỗ trợ khác nhau theo nhu cầu của nạn nhân như: hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, học văn hóa, học nghề, được trợ cấp khó khăn ban đầu và vay vốn sản xuất.
Như vậy, 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ tiêu này đạt so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra./.