Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo một số nội dung
Về tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, luôn được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quan tâm, tiến hành thường xuyên. Để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, định kỳ hàng năm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều thành lập các đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác xét xử tại các Tòa án nhân dân cấp cao và các Tòa án nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp tỉnh duy trì thường xuyên công tác kiểm tra việc xét xử đối với các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý. Thông qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, xử lý và rút kinh nghiệm đối với những sai sót về công tác chuyên môn, cũng như công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số Tòa án nhân dân địa phương, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các Tòa án để tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục, đồng thời xử lý nghiêm những công chức có sai phạm trong thực thi công vụ. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ năm 2018 đến nay mặc dù chưa đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra nhưng tiếp tục có chuyển biến, tiến bộ . Nguyên nhân do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao rất lớn trong khi đó, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là trong lĩnh vực dân sự; tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp có nhiều mâu thuẫn, không rõ ràng nên phải điều tra, xác minh bổ sung dẫn đến mất nhiều thời gian để giải quyết vụ việc.
Để nâng cao hiệu quả công tác này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra nhiều giải pháp như: Chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc ngay từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để hạn chế nguyên nhân phát sinh đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tăng cường công tác hòa giải, đối thoại; đề cao trách nhiệm của các Toà án trong việc phát hiện và kiến nghị các sai lầm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án; làm tốt công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trao đổi nghiệp vụ; rút kinh nghiệm công tác xét xử; sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; kiện toàn đội ngũ cán bộ cho bộ phận hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao;...
Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Cơ bản khắc phục tình trạng đã trả lời đơn không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lại kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (năm 2015 có 10 trường hợp; năm 2016 có 05 trường hợp; năm 2017 có 04 trường hợp; năm 2018, năm 2019 và năm 2020 không có trường hợp nào).
Đối với các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng cần chỉ đạo các Tòa án làm tốt công tác tự kiểm tra và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Các Vụ giám đốc kiểm tra thuộc Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao cũng cần thường xuyên tự kiểm tra để đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhất là chất lượng kháng nghị. Các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần tăng cường làm tốt công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với các Tòa án thuộc thẩm quyền kiểm tra của mình, kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Đồng thời, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải nâng cao trách nhiệm giám sát chất lượng hoạt động chuyên môn của các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý thông qua thực hiện công tác kiểm tra nghiệp vụ, nhằm phát hiện các sai sót để rút kinh nghiệm chung hoặc đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng hoặc tình tiết mới. Khi đề xuất kháng nghị phải phân tích rõ những sai sót của bản án đã có hiệu lực pháp luật và định hướng khắc phục.
Đối với các giải pháp để nâng cao chất lượng kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, cần tăng cường trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc phát hiện kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp dưới có sai lầm để kháng nghị. Hoàn thiện Quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát và đôn đốc tiến độ giải quyết Yêu cầu các Tòa án phải thực hiện nghiêm quy định về chuyển hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm theo các Thông tư liên tịch số 02 và 03 ngày 31/8/2016 giữa Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời, việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Quy định trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp cao phải xem xét, giải quyết đề xuất kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị kháng nghị./.