Nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia như Tờ trình của Chính phủ và báo cao thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu; đại biểu Dương Tấn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; đại biểu Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng việc xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019.
Toàn cảnh Phiên họp
Nhiều đại biểu đánh giá, đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp thực hiện hơn 100 chính sách dân tộc. Nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình này sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, tạo cơ hội mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với mức bình quân chung của cả nước.
Đại biểu Vương Ngọc Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang và các đại biểu cũng đánh giá đây là một Chương tình mang ý nghĩa nhân văn cao cả; đề nghị trong quá trình triển tkhai thực hiện, đảm bảo đối tượng được hưởng lợi được đến từng gia đình, từng người đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Một số đại biểu cũng hoan nghênh sự nỗ lực của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành những tài liệu nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Đại biểu Vương Ngọc Hà phát biểu
Rà soát toàn diện các Dự án thành phần của Chương trình
Theo Chính phủ, Chương trình gồm 10 Dự án thành phần: Dự án 1, Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; Dự án 2, Sắp xếp, quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3, Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Dự án bao gồm các tiểu dự án cụ thể; Dự án 4, Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5, Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6, Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Dự án 7, Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8, Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9, Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10, Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Tại Phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng 10 Dự án thành phần này được thiết kế khá độc lập, chưa có mối tương quan với các dự án đã và đang thực hiện; trong đó có 6/10 dự án là có tính trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, địa bàn thực hiện, chỉ có 4 dự án là có tính mới, không trùng lặp. Vì vậy, đại biểu đề nghị tổng kết đánh giá việc tiếp tục thực hiện hai Chương trình mục tiêu Quốc gia đã và đang thực hiện trong thời gian tới; rà soát các mục tiêu, phạm vi của 06 các dự án trùng lắp, xác định rõ đối tượng, cơ chế áp dụng, phân bổ đầu tư để thực hiện có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu cũng cho rằng, trong điều kiện nguồn lực còn eo hẹp, đề nghị Chính phủ quan tâm đến thứ tự ưu tiên; giai đoạn đầu nên tập trung thực hiện những dự án giải quyết được những vấn đề nền tảng như: đầu tư giáo dục đào tạo, khắc phục thiếu đất ở, đất sản xuất, ổn định dân cư, đầu tư phát triển hạ tầng và tạo sinh kế cho đồng bào.
Đại biểu Dương Tấn Quân cho ý kiến
Thảo luận tại Phiên họp về nội dung này, đại biểu Phương Thị Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng 10 Dự án thành phần đã bao quát các nội dung của Chương trình; để tránh trùng lắp các nội dung, đề nghị Chính phủ rà soát để tích hợp các chính sách của 02 Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện trong vùng này.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang- Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị rà soát bổ sung thêm trong Dự án 3 về tăng cường thức đẩy mối liên hệ liên kết giữa doanh nghiệp và người dân; đề nghị Chính phủ nên phân cấp, giao cho các địa phương tự rà soát đặc điểm thế mạnh của địa phương mình phù hợp với cây gì, con gì để đảm bảo sát với thực tiễn của từng địa phương.
Bổ sung thêm giải pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Cho ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đại biểu Tô Ái Vang- Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đề nghị quan tâm thêm về vấn đề thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, đây là một trong những dự án không thể thiếu, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ và trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Ba nhiệm vụ chính để thực hiện dự án này được Chính phủ đưa ra đó là: nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực về giới, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về giới cho cán bộ làm công tác này; xây dựng mô hình làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tự quản và phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, các nhóm chính sách trên chưa đề cập đến vấn đề bảo vệ trẻ em, trong khi thực trạng trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp một vấn đề bất cập đó là tình trạng trẻ em bị bán quan biên giới,bị xâm hại, hôn nhân cận huyết, tảo hôn. Vấn đề này nhức nhối nhiều năm nhưng chưa có giải pháp dứt điểm. Do đó, đại biểu đề nghị, có chính sách hiệu quả để để bảo vệ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, coi đây là vấn đề cấp thiết trong một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào tất cả các dư án thuộc Chương trình.
Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết và chia sẻ những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đại biểu đều nhất trí việc Quốc hội cần có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời đề nghị Chính phủ phải đầu tư trọng tâm, trọng điểm để đồng bào thoát nghèo nhanh nhưng phải bền vững; tổng kết các mục tiêu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên thảo để hoàn thiện Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia trình các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua./.