Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình
Theo Tờ trình của Chính phủ cho biết, Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (gọi là doanh nghiệp), bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng theo đúng quy định tại Điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (chỉ loại trừ doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài do các đối tượng này thực hiện nộp thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam).
Về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự thảo quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Doanh nghiệp căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020”.
Việc đề xuất giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Thực tế là tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp có quy mô vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp có quy mô vừa với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong khi doanh nghiệp có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ được giảm thuế, Dự thảo Nghị quyết đề xuất lấy tiêu chí doanh thu (có thể kết hợp với tiêu chí lao động) sẽ phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đúng bản chất kinh tế, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Mặt khác về quản lý cho thấy, lấy theo tiêu chí doanh thu (và lao động) thì cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý trong lĩnh vực thuế (và lĩnh vực lao động) có sẵn (kết quả doanh thu, lao động thể hiện trên hồ sơ doanh nghiệp) nên sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp và công tác quản lý.
Ngoài ra, do chính sách giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 chỉ áp dụng trong 01 năm (2020) cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vì vậy tiêu chí doanh thu và lao động cũng phải căn cứ theo doanh thu, lao động của năm 2020 để đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 năm 2020.
Theo Tờ trình, tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 cũng đã quy định doanh nghiệp có quy mô nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng, được áp dụng mức thuế suất (20%) thấp hơn mức thuế suất phổ thông (25%, 22%) trong giai đoạn 2013-2015. Tham khảo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định về nguyên tắc chung làm cơ sở xác định doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và giao Chính phủ quy định chi tiết. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ đã quy định cụ thể việc phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được sử dụng đồng thời nhiều tiêu chí (lao động, doanh thu, vốn) và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
Tuy nhiên, nếu sử dụng tiêu chí vốn kết hợp với tiêu chí lao động và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực làm cơ sở xác định đối tượng doanh nghiệp được giảm thuế sẽ có bất cập khi đặt trong xu thế doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay; việc sử dụng tiêu chí vốn không phản ánh đúng quy mô và hoạt động của doanh nghiệp vì vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có sự sai khác rất lớn so với số vốn doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không có ý nghĩa trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; việc sử dụng tiêu chí phân loại theo từng ngành nghề, lĩnh vực để xác định doanh nghiệp được giảm thuế cũng khó khả thi do doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực đồng thời cũng tạo khó khăn cho cả việc thực hiện của doanh nghiệp và cả công tác quản lý của cơ quan thuế.
Từ những nội dung nêu trên, để đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thực tế thực hiện thời gian vừa qua và kinh nghiệm quốc tế, đồng thời tham khảo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Đồng thời, theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Do đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của mình, tự xác định có thuộc đối tượng được giảm thuế hay không để giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp khi tạm nộp thuế theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020./.