ĐỀ XUẤT TĂNG MỨC XỬ PHẠT VỚI VI PHẠM GIAO THÔNG GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

12/06/2020

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại tổ 04 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm về giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Tổ số 5 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng và các tỉnh: Ninh Bình, Sơn La, Tây Ninh. Đa số các đại biểu tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng cần bổ sung về mức xử phạt đối với một số điều trong Dự án.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng đề nghị tăng mức xử phạt đối với trường hợp vi phạm giao thông gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo đó, về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 25: “Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề...”.


Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc… có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông với hậu quả rất nghiêm trọng. Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng hoặc 22 - 24 tháng là chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Quang đề xuất nâng mức xử lý đối với các trường hợp này.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Quang còn đề nghị tăng thẩm quyền xử phạt đối với Thanh tra viên tại Điểm b, Khoản 1, Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hầu hết đều thuộc thẩm quyền Chánh Thanh tra Sở ký, số lượng hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên rất ít. Điều này gây khó khăn trong công tác xử phạt cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, đặc biệt tại các đơn vị có số lượng xử lý vi phạm hành chính lớn, địa bàn phụ trách rộng.


Đại biểu Nguyễn Thanh Quang - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nêu ý kiến.

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 46 Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định: “Chánh Thanh tra Sở được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa”, tương ứng tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân; 40 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức phạt rất cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt, làm chậm và phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Vì vậy cần xem xét tăng thẩm quyền xử phạt đối với Chánh Thanh tra Sở.

Góp ý vào xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết: Tại khoản 2 Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định 4 hình thức xử phạt, cưỡng chế đối. Còn trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung thêm hình thức xử phạt thứ 5 là người vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Ngoài quy định trên thì trong Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 còn bổ sung thêm các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ như: dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ngừng sử dụng hóa đơn và thu hồi giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên được thực hiện theo luật quản lý về chuyên ngành đó nhằm tránh chồng chéo giữa các luật với nhau.

Đối với việc xử lý vi lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng nên căn cứ vào căn cứ vào nguyên nhân gây ra sai phạm từ việc cấp giấy phép, quản lý xây dựng, chủ đầu tư, quy hoạch...


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình phát biểu quan điểm.

Đề cập xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nêu ý kiến: Hiện nay, có nhiều vi phạm trong lĩnh vực xây dựng nhưng lại khó phát hiện. Bởi các công trình được vây xung quanh là rào chắn, bao vây kín bởi khung thép ở bên ngoài nên khi đơn vị thi công, xây dựng làm gì ở bên trong mà mắc sai phạm thì cơ quan chức năng, người dân rất khó phát hiện. Trước bất cập này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề xuất trong dự án Luật cần nhấn mạnh thêm các giải pháp để phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng là các địa phương cần có phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm các công trình xây dựng.

Ngoài những nội dung nêu trên, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 còn góp ý về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12); Thẩm quyền của Thanh tra (Điều 46), lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 58); Về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính (Điều 125) của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

Bích Lan