Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Đề án
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, theo kết quả điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, 53 dân tộc thiểu số có 14.118.232 người với gần 3 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước). Trong đó có 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người, 15 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.
Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nước ta thuộc địa bàn của 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có số người dân tộc thiểu số cao nhất (khoảng 6,7 triệu người), khu vực Tây Nguyên (khoảng 2 triệu người), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1,9 triệu người), khu vực Tây Nam Bộ (1,4 triệu người), dân số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, chỉ có dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, dân tộc Hoa sinh sống ở đồng bằng và thành thị.
Các nhóm dân tộc thiểu số đều sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh. Trong 51 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng có 01 tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số; 06 tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm từ 70% - 90% dân số; 05 tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm từ 50 - 70% dân số; 06 tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm từ 30% - 50% dân số; 13 tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm từ 10% - 30% dân số; 20 tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm dưới 10% dân số.
Về chất lượng dân số, Đề án cho biết, tuổi thọ trung bình của người dân tộc thiểu số hiện nay là 69,9 tuổi thấp hơn so với tuổi thọ bình quân của cả nước là 73,2 tuổi. Sự chênh lệch về tuổi thọ bình quân nói lên một phần do điều kiện sống khó khăn, chế độ dinh dưỡng, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế...
Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ và chất lượng dân số của các nhóm dân tộc thiểu số. Tỉ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số là 26,6%, đây là yếu tố rất đáng lo ngại.
Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trong các dân tộc thiểu số trung bình là 6,5‰, cá biệt ở một số dân tộc có tỷ lệ này trên 40‰ như: Mạ, Mảng và Mnông.
Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề cần đặc biệt chú ý với một số dân tộc, có thể gây ra nhiều hậu quả trong đó có vấn đề tử vong trẻ sơ sinh cao, tuổi thọ bình quân thấp, sức đề kháng và năng lực trí tuệ kém, là một trong những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu trong một số dân tộc./.