Theo Bộ Y tế cho biết, về cơ bản, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và giấy phép hoạt động. Tính đến tháng 12/2018, toàn quốc đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 363,407 người hành nghề và đã cấp giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở khám, chữa bệnh.
Sau 09 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đã hình thành được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên khá vững chắc về cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, việc Bộ Y tế thực hiện in và quản lý toàn bộ phôi của chứng chỉ hành nghề cũng đã tạo ra sự thống nhất về biểu mẫu, quản lý chặt việc cấp chứng chỉ hành nghề cũng như nâng cao được trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động. Việc tuân thủ pháp luật về cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động của các cơ quan cấp phép được thực hiện khá tốt: Trong tổng số 433,801 hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thì chỉ có 2,431 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,56%) và trong tổng số 51,249 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động thì chỉ có 1,456 hồ sơ (chiếm tỷ lệ2,84%) giải quyết không đúng thời hạn quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này, cụ thể: 51% Sở Y tế báo cáo thiếu nhân lực cho việc cấp chứng chỉ hành nghề. Nhiều Sở Y tế cán bộ kiêm nhiệm rất khó khăn trong công tác quản lý đặc biệt là công tác giám sát, thanh kiểm tra. Hệ thống quản lý hành nghề từ cấp Sở Y tế tới xã, phường còn có nhiều hạn chế; việc thay đổi phân cấp quản lý còn chậm. Một số phòng y tế quận, huyện chưa có đủ nhân lực chuyên môn. Vai trò tư vấn, phản biện, phối hợp của các Hội nghề nghiệp liên quan đến y dược còn hạn chế. Hệ thống phần mềm phục vụ việc quản lý cấp phép hành nghề ra đời muộn hơn so với việc thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh nên còn nhiều khó khăn trong quản lý. Trình độ tin học của cán bộ đầu mối cấp chứng chỉ hành nghề còn hạn chế, chưa nhiệt tình với công việc hướng dẫn thủ tục hồ sơ và cập nhật vào phần mềm cấp chứng chỉ hành nghề. Một số Sở Y tế còn chưa chủ động bố trí nhân sự, kinh phí để cập nhập dữ liệu cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép haojt động vào hệ thống. Lãnh đạo một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về lĩnh vực chấp hành thực hiện các thủ tục hành chính trong việc xin chứng chỉ hành nghề à giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Đại diện Bộ Y tế phát biểu
Bênh cạnh đó, người tham gia hành nghề chưa tìm hiểu văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh mặc dù đã được tập huấn hướng dẫn do đó khi nộp thủ tục hồ sơ phải bổ sung nhiều lần dẫn đến việc chậm hoàn thành tiến độ cấp chứng chỉ hành nghề (trong tổng số 433,801 hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề có 36,684 hồ sơ phải bổ sung chiếm tỷ lệ 11,72 %) và giấy phép hoạt động (trong tổng số 51,249hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động có 6,779 hồ sơ phải bổ sung chiếm tỷ lệ 13,23%). Một số người hành nghề thuộc Bộ Quốc phòng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, dẫn đến tình trạng hành nghề khám chữa bệnh ngoài giờ không phép, gây khó khăn cho công tác quản lý. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thực hiện đúng các quy định về đăng ký nhân sự, bảng hiệu, quảng cáo, thời gian làm việc, niêm yết giá,…Chưa có quy định cụ thể về biển hiệu phù hợp với loại hình của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, vì vậy có nhiều cơ sở đăng ký tên không phù hợp.
Hơn nữa, trang thiết bị y tế, quy định về xử lý chất thải y tế đối với tuyến xã và tương đương khó đáp ứng do kinh phí, nhất là đối với hệ thống xử lý nước thải.Y tế công an huyện, y tế trường học, trung tâm cai nghiện ma túy... hầu hết chỉ có 01 cán bộ là y sỹ hoặc điều dưỡng làm công tác y tế và cơ sở vật chất trang thiết bị hầu như không có hoặc rất nghèo nàn.
Việc cấp giấy phép hoạt động cho Y tế cơ quan, trường học, xí nghiệp chưa thực hiện do các cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Trạm y tế chưa đáp ứng.
Ngoài ra, hiện nay, theo Nghịđịnh số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 đã sửa đổi quy định về báo cáođánh giá tác động môi trường đối với các dự án xây dựng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở y tế khác lên quy mô 100 giường bệnh, tuy nhiên vẫn tồn tại khó khăn trong việc cấp phép đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường vẫn theo quy định cũ.
Các cơ sở thẩm mỹ viện có thực hiện một số kỹ thuật xăm trổ gây chảy máu hoặc các kỹ thuật thẩm mỹ khác, nhưng các cơ sở này do chính quyền địa phương cấp phép, ngành y tế không quản lý.
Chưa kể đến, nhân lực y tế tuyến xã chưa đảm bảo nên người phụ trách hoạt động chuyên môn tại một số trạm y tế xã vẫn là điều dưỡng viên. Đối với các địa phương nghèo, địa bàn rộng, dân cư thưa, tỷ lệ bác sỹ thấp nên việc hoạt động theo loại hình phòng khám đa khoa gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống các biểu mẫu báo cáo, công tác thông tin y tế chưa được hoàn chỉnh với cơ sở tư nhân.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nêu rõ, việc đăng ký hành nghề chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, chỉ có 38.778 trong tổng số 49.625 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang hoạt động thực hiện việc đăng ký hành nghề với 125.341 người hành nghề. Các quy định về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm sau cấp giấy phép hoạt động cũng chưa rõ ràng, cụ thể nên dẫn đến tình trạng khi xảy ra các sự cố y khoa, Bộ Y tế đều phải chỉ đạo điều tra, xác minh và xử lý. Chính vì vậy, trên cơ sở tổng kết 09 năm thi hành Luật, cần thiết xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để khắc phục những tồn tại trên./.