Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp đó. Theo đó, doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thảo luận tại Tổ và hội trường về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8, một số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, nhưng phải có đánh giá tác động nhưng cũng có ý kiến không nhất trí với khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác. Cũng có đại biểu đề nghị thận trọng trong quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước vì có thể ảnh hưởng đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thực tế, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Đến năm 2014, Luật Doanh nghiệp đã bổ sung một chương về hoạt động doanh nghiệp nhà nước lại quy định doanh nghiệp nhà nước do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Dự thảo Luật năm 2019 sửa đổi lại coi doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp nắm từ trên 50% vốn điều lệ trở lên thì có thể coi là doanh nghiệp nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để phù hợp với chủ trương và thực hiện các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập trong đó có CPTPP. Theo Hiệp định CPTPP, định nghĩa doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp sở hữu trên 50% vốn hay kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cũng cho rằng việc thay đổi khái niệm có tác động lớn đến khối doanh nghiệp bởi việc quản lý doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn nhiều về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, các chính sách cho người lao động như lương, thưởng, các hoạt động đoàn thể v.v.. Đồng thời cũng có khả năng ít nhiều được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, các ưu đãi về đất đai cũng như các nguồn lực khác. Bên cạnh đó khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã và đang được điều chỉnh trong rất nhiều các văn bản luật khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá kỹ các tác động này và rà soát các văn bản pháp luật liên quan để có các quy định chuyển trước lộ trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để không nảy sinh vướng mắc mâu thuẫn trong quá trình thực hiện khi luật có hiệu lực.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Quang – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đề nghị cân nhắc thận trọng việc sửa đổi quy định doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang lý giải, nếu quy định Nhà nước có trên 51% vốn ở các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy định tổ chức hoạt động như doanh nghiệp nhà nước là mâu thuẫn và không khả thi. Trong thực tế sẽ không rõ các doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp nhà nước hay là công ty cổ phần. Đặc biệt trong trường hợp sau khi cổ phần hóa thì doanh nghiệp nhà nước nắm trên 51%, nhưng đó là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn 1, 2 thành viên thì sẽ mâu thuẫn trong cơ cấu tổ chức, không biết là hoạt động theo mô hình nào.
Hơn nữa việc coi doanh nghiệp ngoài nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ là doanh nghiệp nhà nước sẽ cản trở quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, khi cổ phần hóa mà nhà nước nắm cổ phần chi phối đã kém hấp dẫn các nhà đầu tư hiện nay, nếu coi là doanh nghiệp nhà nước thì lại càng kém hấp dẫn và không thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cho rằng, nếu để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý của các doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà nước nắm trên 51% vốn điều lệ và thực tế hiện nay đang có những bất cập thì đã có Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước vào sản xuất kinh doanh, cần thiết có thể sửa luật này.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, đề nghị xem xét ở nhiều góc độ khi quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01/01/2018 thì cả nước có 1.204 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý và 1.282 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi góc độ quản lý. Như vậy, trường hợp mở rộng tối đa khái niệm doanh nghiệp nhà nước nắm trên 50% vốn thì ít nhất có thêm 1.282 công ty cổ phần, tức là khoảng 2.500 doanh nghiệp được gọi là doanh nghiệp nhà nước trở thành đối tượng điều chỉnh của luật này và 9 luật quy định về chủ thể doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể các luật tác động trực tiếp đến doanh nghiệp nhà nước như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Kiểm toán nhà nước và rất nhiều những văn bản dưới luật khác.
Đại biểu cho rằng việc mở rộng khái niệm tác động rất lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, trong khi thực tế hiện nay cơ chế quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhà nước rất phức tạp. Nếu mở rộng thì quá trình cổ phần hóa cũng gặp nhiều khó khăn do những lo ngại về quy định quản lý phức tạp đã nêu trên.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành nội dung dự thảo Luật Doanh nghiệp cần bám sát quan điểm đổi mới, đưa các ý tưởng, nội dung tiến bộ vào luật nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tối đa, với tinh thần cởi mở và minh bạch, không nên mở rộng phạm vi quy định đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là với trường hợp nhà nước góp ít vốn, góp vốn không nhiều.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thì cho rằng quy định như dự thảo luật nhằm tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên khái niệm này chưa bảo đảm sự chi phối của nhà nước đối với các quyết định quan trọng và chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời quy định có thể ảnh hưởng đến tiến trình và mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn của nhà nước, do đó Ban soạn thảo nên đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng.
Hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang phối hợp cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong quá trình xem xét nội dung về khái niệm doanh nghiệp nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đặt vấn đề: Nếu quy định doanh nghiệp nhà nước khác so với luật hiện hành thì tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thế nào; khái niệm doanh nghiệp nhà nước như dự thảo sẽ tác động thế nào đến tâm lý của người tham gia góp vốn (nhà đầu tư trong nước và nước ngoài); điều này ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và quản trị thế nào đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp thứ 43 (tháng 3/2020)./.