ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 43

06/03/2020

Chuẩn bị cho phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 06/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính –Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp phiên toàn thể lần thứ 43.

Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đặng Thuần Phong, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các thành viên của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 43

Tại phiên họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra Tờ trình số 01/TTr-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 165/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; báo cáo 591/BC-CP của Chính phủ vể cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; và việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020 và điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2019 của Tổng cục Thuế sang cho Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản thống nhất với kết quả rà soát tổng kết và các đánh giá kết quả đạt được cũng như tồn tại hạn chế trong việc ban hành và thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian qua.

Hiện nay có khoảng 36 cơ quan, đơn vị và nhóm đơn vị quản lý nhà nước được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị thuộc 16 Bộ, ngành, cơ quan trung ương thuộc Quốc hội, Chính phủ, cơ quan Đảng và các cơ quan khác, không bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc khối đoàn thể, lực lượng vũ trang.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc thực hiện cơ chế này đã góp phần quan trọng giúp các đơn vị chủ động tích cực đẩy mạnh các hoạt động gắn với nâng cao chất lượng, vừa thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, tạo sự chủ động về nguồn lực tài chính để đảm bảo kinh phí hoạt động, góp phần tăng cường đầu tư, và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, cải thiện thu nhập, đời sống của người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ quan, đơn vị được áp dụng cơ chế đặc thù.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nhận thấy việc ban hành, thực hiện cơ chế đặc thù cho các đơn vị còn nhiều bất cập. Nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để lại phần thu của ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chi theo cơ chế đặc thù mà không quy định thẩm quyền thống nhất là Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong việc quyết định chính sách thu, chi ngân sách nhà nước. Hơn nữa, tính chất đặc thù không được phân biệt rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau, giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan quản lý nhà nước có hoạt động sự nghiệp, dẫn đến có nhiều mô hình quản lý tài chính theo cơ chế đặc thù và không được thường xuyên đánh giá, điều chỉnh tỷ lệ nguồn thu  được để lại, gây bất cập trong quản lý thu chi, chuyển nguồn lớn và kéo dài.

Mặt khác, nguồn thu từ các khoản phí và lệ phí không được tập trung vào ngân sách nhà nước để được phân bổ, sử dụng theo một cơ chế tài chính thống nhất, hiệu quả sử dụng các nguồn thu để lại cho các cơ quan, đơn vị có hoạt động đặc thù chưa cao, tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Nghị quyết 27/NQ-TW cũng đã chỉ ra hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập trong khu vực công: “Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”

Xuất phát từ thực trạng tình hình thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của đơn vị, để có thời gian chuẩn bị chuyển đổi thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương trong khi vẫn bảo đảm hoạt động bình thường của các đơn vị trong ngắn hạn, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp tục áp dngj cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị đến hết năm 2002 để tạo điều kiện cho các cơ quan này có thêm thời gian hoàn thiện quy định về chế độ công chức, công vụ, xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu công chức theo ngạch, bậc, tiêu chuẩn rõ ràng cụ thể để xác định đúng đủ biên chế công chức cần tuyển dụng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW. Giai đoạn từ năm 2021 trở đi, thực hiện thống nhất cơ chế quản lý tài chính chung đối với các cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2021 trở đi; không còn quy định riêng về tiền lương đối với các đơn vị được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của đơn vị mà áp dụng quy định chung về tiền lương, thu nhập theo tinh thần cải cách chính sách tiền lương. Đề xuất này của Chính phủ cũng nhận được đa số ý kiến tán thành trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cần đề xuất theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời, rà soát đối với các cơ quan, đơn vị cần thiết phải có cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách hoàn thiện các báo cáo liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 (tháng 3/2020) tới./.

Bảo Yến