Những năm qua, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp rất quan tâm đến giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội (ASXH). Hoạt động giám sát về thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, việc làm và giảm nghèo, cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản; về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), trợ giúp xã hội,… đã được Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh thành phố tiến hành, góp phần đưa chính sách pháp luật về ASXH ngày càng đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với vấn đề ASXH cũng đang còn nhiều hạn chế.
Mô hình Cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.
Cho đến năm 2018, việc đảm bảo ASXH thông qua tỷ lệ lao động tham gia BHXH mới đạt được 26,55% so với lực lượng lao động xã hội, trong khi mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là có trên 50% tham gia BHXH. Tương tự tỷ lệ tham gia Bảo hiểm tự nguyện mới có 22,75% lao động tham gia, trong khi đó mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 35%.
Về BHYT, giai đoạn 2011-2015 chưa đạt được mục tiêu đặt ra là 75% dân số tham gia BHYT. Giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu hợp lý hơn là 80% tham gia BHYT thì có khả năng thực hiện được, song để tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân thì vẫn đang là thách thức.
Mức trợ cấp cho các nhóm đối tượng còn quá thấp, mang tính bình quân, điều chỉnh mức trợ cấp còn chậm so với mức lương và giá cả thị trường, chưa đủ để đảm bảo cuộc sống.
Chính sách trợ cấp hàng tháng đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội còn mang tính chất cào bằng, chưa phân biệt giữa người nghèo và người có mức sống cao, khá giả.
Kết quả thực hiện ASXH như trên đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục. Vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia quan tâm và đóng góp ý kiến tại Hội thảo khoa học “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về ASXH ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” diễn ra ngày 12/02, do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Để thực hiện công tác ASXH đạt được mục tiêu đề ra phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát thực thi chính sách pháp luật.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện ASXH vẫn còn hạn chế là do việc tổ chức triển khai hoạt động giám sát của của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về ASXH còn có nhiều hạn chế. Những hạn chế chủ yếu là việc tổ chức thực hiện giám sát về ASXH chưa đảm bảo quy định giám sát thường xuyên hàng năm và chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương.
Việc sử dụng các hình thức giám sát còn nhiều bất cập làm cho hiệu quả giám sát chưa cao. Thứ nhất, vẫn còn một số hình thức giám sát về an sinh xã hội theo luật định chưa được thực hiện.
Thứ hai, một số hình thức giám sát chưa được thực hiện hiệu quả. Cụ thể, các phát hiện vi phạm chính sách ASXH được các Đoàn giám sát phát hiện nhưng không được xử lý hoặc xử lý không kịp thời. Nhiều vấn đề bất cập về ASXH được chất vấn và giải trình trong nhiều kỳ họp Quốc hội không có chuyển biến song không có chế tài xử lý phù hợp.
Thứ ba, hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.
Với những bất cập trên, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Cần nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội. Bên cạnh đó là gắn hoạt động giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội với cuộc sống thực tiễn; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về an sinh xã hội được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm; đáp ứng lòng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân.
Để thực hiện công tác ASXH đạt được mục tiêu đề ra phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát thực thi chính sách pháp luật về ASXH của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát thực thi chinh sách, pháp luật ASXH.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nêu quan điểm: Cần tổ chức hoạt động giám sát thực thi ASXH một cách thực chất, tránh hình thức, hành chính.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nêu quan điểm: Để giám sát thành công và không ngừng nâng cao hiệu quả giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về ASXH của cơ quan dân cử yêu cầu đặt ra là phải tổ chức hoạt động giám sát một cách bài bản, khoa học, thực chất, hết sức tránh hình thức, hành chính.
Giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về ASXH là một khoa học và có yêu cầu cao về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ giám sát. Tức là hoạt động giám sát này mặc dù là của cơ quan dân cử nhưng phải được thực hiện có tính chuyên nghiệp với những kỹ năng ở trình độ cao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, báo cáo giám sát phải phản ánh trung thực, kết luận rõ ràng, có bằng chứng thuyết phục về những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn cần tháo gỡ, những mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục, làm rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân, của đơn vị. Đề xuất, kiến nghị rõ nội dung, trách nhiệm tổ chức thực hiện, thời hạn, lộ trình giải quyết và được công khai, cung cấp tới các cơ quan, đơn vị, cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát. Chú trọng hậu giám sát, tăng cường tái giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát.
Ngoài ra, cần gắn kết hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp, kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những quy định của luật pháp về ASXH không phù hợp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Đưa ra mô hình Giám sát chính sách ASXH thông qua ngân sách của nghị viện các nước trên thế giới để Việt Nam có thể tham khảo, ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: Ở nhiều nước trên thế giới, tất cả các hoạt động thảo luận, chất vấn hoặc điều trần tại nghị viện đều là những hoạt động mang tính chất giám sát. Thậm chí, nhiều người coi chức năng giám sát là chức năng bao trùm của nghị viện chứ không hẳn là chức năng lập pháp.
Ngân sách là bản chất của chính sách. Mọi chính sách chỉ là những lời tuyên bố trống rỗng nếu không có ngân sách đi kèm. Ngân sách phân bổ cho lĩnh vực ASXH bao nhiêu chính là thước đo chính xác nhất về sự quan tâm của nhà nước cho lĩnh vực này bấy nhiêu.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Việt Nam có thể tham khảo mô hình giám sát chính sách ASXH thông qua ngân sách của nghị viện các nước trên thế giới.
Ở nhiều nước trên thế giới, các ủy ban có liên quan đến lĩnh vực ASXH của nghị viện sẽ soi xét rất kỹ việc phân bổ ngân sách ở đây. Bất cứ một sự thay đổi nào trong việc phân bổ ngân sách liên quan đến ASXH đều sẽ phải điều trần và giải trình rất khó khăn trước các ủy ban có liên quan. Bảo đảm ngân sách cho lĩnh vực ASXH chính là vấn đề nghị viện phải giám sát đầu tiên. Và đây cũng là cách thức giám sát hiệu quả nhất đối với thực thi chính sách, pháp luật về ASXH.
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, chương trình nghị sự của nghị viện chính ở nhiều nước là công cụ xác lập các ưu tiên của quốc gia. Mọi vấn đề cho dù quan trọng đến mấy nhưng không được đưa vào chương trình nghị sự thì sẽ không bao giờ được xử lý. Hoạt động giám sát lĩnh vực ASXH cũng vậy. Không được đưa vào chương trình nghị sự, các vấn đề của lĩnh vực này, cho dù hệ trọng đến mấy, cũng sẽ không được xử lý.
Chính vì vậy, để việc giám sát lĩnh vực ASXH đạt hiệu quả mong muốn thì trước hết các hoạt động giám sát có liên quan phải được đưa vào chương trình nghị sự. Có nhiều cách để đưa các vấn đề về ASXH vào chương trình nghị sự. Ví dụ như phân bổ ngân sách, trong đó có ngân sách cho ASXH bao giờ cũng có trong chương trình nghị sự hàng năm của nghị viện. Chính vì vậy, hoạt động giám sát phải được tập trung nhiều nhất cho việc thẩm định ngân sách. Đây là ưu tiên hàng đầu của các ủy ban có liên quan. Các nghị sĩ quan tâm đến vấn đề ASXH cũng cần tận dụng tối đa cơ hội này để lên tiếng.
Phát biểu kết luận về việc nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về ASXH ở Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về ASXH có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ hoạt động này cung cấp những luận cứ khoa học để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về ASXH; bảo đảm cho chính sách, pháp luật về ASXH được chấp hành thực hiện nghiêm chỉnh trên phạm vi cả nước và địa phương. Tuy nhiên hiện nay, đây vẫn là khâu yếu, có nhiều hạn chế, nhiều hoạt động còn hình thức, sự đổi mới còn chậm và hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân nên rất cần tiếp tục nhận được ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia để thực hiện tốt hơn vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và an sinh cho người dân./.