ỦY BAN TƯ PHÁP CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

13/02/2020

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát, đề xuất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, tại Phiên họp thứ 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã có một số ý kiến góp ý cụ thể về dự thảo.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều  của Luật Tổ chức Quốc hội trong Phiên họp thứ 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với các nội dung đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Những vấn đề được dự kiến sửa đổi, bổ sung là những vấn đề đã có chỉ đạo rõ, đã chín muồi, có sự đồng thuận, thống nhất cao. Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung cần thiết phải sửa đổi và đã được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến như: cần xác định rõ hơn cơ cấu, địa vị pháp lý của bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định rõ các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương…

Về số lượng, tên gọi, lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí giữ nguyên về tên gọi, lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, tên gọi và lĩnh vực phụ trách của Ủy ban là phù hợp với yêu cầu thực tế.

Đối với số lượng, tên gọi, lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, về cơ bản Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội là phù hợp. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị xem xét cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung một số vấn đề cụ thể như: sửa đổi về tên gọi của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để bảo đảm vừa ngắn gọn nhưng vẫn thể hiện đầy đủ lĩnh vực hoạt động của Ủy ban.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội: Đối với cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bao gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và các Ủy viên khác. Cơ cấu tổ chức của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội bao gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực. Đây là phương án đơn giản hóa cơ cấu tổ chức của Hội đồng, Ủy ban nhưng lại nâng cao vai trò và tăng cường bộ phận Thường trực Hội đồng, Ủy ban vì tất cả các đại biểu hoạt động chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban sẽ đều thuộc cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Ủy ban. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành (cơ cấu của Hội đồng, Ủy ban bao gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách và các Ủy viên khác) để bảo đảm thực hiện như yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 42 của UBTVQH

Đối với việc giảm số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, không quy định cụ thể về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban trong dự thảo Luật. Việc quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng cơ quan sẽ được xác định trong đề án riêng và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho mỗi nhiệm kỳ Quốc hội như hiện nay để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội.

Đối với cơ cấu thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội thời gian qua, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hiện nay số lượng thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tương đối đông, tuy nhiên số lượng đại biểu thực tế tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban lại khá hạn chế; các phiên họp của Hội đồng, Ủy ban có số lượng thành viên vắng mặt khá cao, có những phiên họp không có đủ quá nửa tổng số thành viên tham dự. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và việc thực hiện nguyên tắc làm việc tập thể của các cơ quan nói trên. Do vậy, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề nghị của Ban soạn thảo về số lượng thành viên của Hội đồng, Ủy ban không cần quá đông, nhưng tất cả hoặc phần lớn thành viên phải là đại biểu hoạt động chuyên trách (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách tại các Đoàn đại biểu Quốc hội).

Về việc bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét về một số vấn đề để bảo đảm tính thống nhất của Luật Tổ chức Quốc hội với hệ thống pháp luật như: Quyền yêu cầu của đại biểu Quốc hội khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, Khoản 2 Điều 34 Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2018 đã bổ sung thẩm quyền của cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Quy định của Luật Trưng cầu ý dân (Điều 15) thì Hội đồng Dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội có thẩm quyền thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân.

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong thời gian tới, để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thì việc giảm số lượng tổng số đại biểu Quốc hội nhưng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là cần thiết. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc quy định mức tối đa về tổng số đại biểu Quốc hội (không quá 500 người) và mức tối thiểu về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách (ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội) như hiện hành là phù hợp). Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định về số lượng tối đa tổng số đại biểu và tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như hiện hành.

Về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng nên giữ nguyên quy định về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội như hiện nay. Vai trò của Đoàn vừa tổ chức, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương, đồng thời giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa cử tri, chính quyền địa phương với Quốc hội. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí với Ban soạn thảo, đề nghị không nên quy định Đoàn đại biểu Quốc hội độc lập hoàn toàn hoặc tham gia trực tiếp vào công việc của chính quyền địa phương.

Về bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại địa phương. Vì vậy, đề nghị cần tổng kết, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng việc thực hiện thí điểm hợp nhất 03 Văn phòng tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để có các quy định mang tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Về kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho cần quy định lương, phụ cấp, các chế độ khác của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội do ngân sách trung ương đảm bảo. Riêng đối với trả lương cho công chức và kinh phí hoạt động của bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội thì sẽ phụ thuộc vào mô hình tổ chức văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương để quyết định là các khoản này sẽ do ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương chi trả.

Trên cơ sở một số ý kiến góp ý về việc rà soát, đề xuất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp gửi đến Vụ Pháp luật để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương

Các bài viết khác