Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho ý kiến tại Phiên họp
Về một số vấn đề chung, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng việc sửa đổi luật bên cạnh việc kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) thì vấn đề đặt ra đó là cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong đó đại biểu Quốc hội là trung tâm. Do vậy, dự thảo luật cần rà soát kỹ các điều khoản quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và các điều kiện bảo đảm để đại biểu Quốc hội thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn ấy trong thực tế, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân.
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (khoản 2 Điều 23), trong báo cáo xin ý kiến về các vấn đề dự kiến tiếp thu, giải trình, Ban soạn thảo dự kiến đề xuất đưa ra 3 phương án, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng phương án 1 giữ quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như Luật tổ chức Quốc hội hiện hành là hợp lý, vì thực tế quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên, bên cạnh đó việc quy định như vậy sẽ đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với khả năng bố trí nhân sự và tình hình thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó cần rà soát các quy định cụ thể để củng cố đầy đủ điều kiện đảm bảo cho một thế hệ đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp xuất hiện, làm nóng cốt cho các hoạt động của Quốc hội, trong điều kiện hoạt động không thường xuyên. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên chọn phương án 2 là hợp lý hơn, đó là quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 37% tổng số đại biểu Quốc hội, gắn với việc giảm đại biểu Quốc hội “không chuyên trách”, kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp, tư pháp để đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và tinh thần NQ 18 của Ban Chấp hành TW.
Về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội (khoản 4 Điều 43, điểm d khoản 1 Điều 99 và Điều 101), đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại khoản 4 Điều 43 và khoản 1 Điều 101 của dự thảo luật, theo đó đa số ý kiến theo phương án 2 tại dự thảo báo cáo. Thực hiện theo phương án này sẽ gắn với việc đảm bảo lương, chế độ, chính sách của đại biểu hoạt động chuyên trách với phân cấp về quản lý cán bộ hiện nay, thuận lợi trong việc thống nhất đầu mối chi đối với các nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội phát sinh ở địa phương, nâng cao tính minh bạch và cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động của Quốc hội.
Bên cạnh đó, việc thực hiện theo phương án này sẽ giúp tạo sự chủ động cho các địa phương vừa chú trọng công tác quy hoạch, quản lý cán bộ, Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, vừa quan tâm đến việc xây dựng dự toán đầu năm (xác định kinh phí đi lại, phục vụ ăn, ở… cho đại biểu Quốc hội khi tham gia các hoạt động do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức).
Một số ý kiến theo phương án 1 nghĩa là ngân sách trung ương có trách nhiệm bảo đảm lương, chế độ chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội, còn địa phương sẽ bảo đảm kinh phí cho hoạt động và trả lương cho đội ngũ công chức của bộ phận tham mưu giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến này cho rằng phù hợp với nguyên lý hoạt động và thực tế hiện nay đang thực hiện ổn định.
Toàn cảnh Phiên họp
Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Điều 67), ở Việt Nam Quốc hội là một thiết chế đặc biệt, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài Quốc hội ra, không có một cơ quan nào có một vị trí, tính chất đặc biệt đó. Do vậy, cơ cấu tổ chức của Quốc hội không thể giống hay đồng nhất với các thiết chế nhà nước khác. Để bảo đảm cho Quốc hội hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thì cơ cấu tổ chức của Quốc hội phái đáp ứng với đòi hỏi của tình hình đất nước trong mỗi giai đoạn cụ thể.
Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội, qua nghiên cứu đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách thấy rằng để bảo đảm thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW nên giữ như quy định hiện hành, nghĩa là trong Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của quôc hội đang có 03 loại chức danh gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Thường trực, vì thực hiện như mô hình hiện nay sẽ đơn giản hóa trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng, Ủy ban đồng thời nâng cao vai trò và tăng cường bộ phận Thường trực Hội đồng, Ủy ban. Đồng thời cần quy định rõ chế độ làm việc của Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là chế độ tập thể, phân công vai trò của từng thành viên, tránh xu hướng hành chính hóa hoạt động của Quốc hội nói chung và các cơ quan Quốc hội nói riêng theo chế độ thủ trưởng.
Về việc giảm số lượng cấp phó tại Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách không tán thành theo phương án khoán tổng số lượng cấp phó tại Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội, vì số lượng cấp phó của các cơ quan này còn tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong khiển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Do đó, luật chỉ quy định một số nguyên tắc để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng cấp phó cụ thể đối với từng cơ quan căn cứ vào yêu cầu công việc. Quy định như vậy sẽ thể chế hóa được các quy định của Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng.
Về thẩm quyền phê duyệt chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền này theo quy định của luật tổ chức Quốc hội đã được áp dụng từ Quốc hội khóa XII trở về trước. Theo đó, Quốc hội xem xét, quyết định, phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định thành lập Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội thì Quốc hội cần quyết định phê chuẩn chức danh Chủ tịch, Chủ nhiệm, đồng thời các chức danh Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, không phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định các chức danh này.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý vào một số nội dung cụ thể, Ủy ban Tài chính- Ngân sách trân trọng kính gửi Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội để tổng hợp, nghiên cứu./.