Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Phiên họp
Tham gia ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật, Thường trực Hội đồng Dân tộc nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung lần này cần giải quyết được những vấn đề cốt lõi để thực sự để nâng cao vị thế, vai trò, quyền lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội…Thường trực Hội đồng Dân tộc nhất trí cần rà soát, bổ sung các quy định trong Luật để vẫn đảm bảo tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề đại biểu Quốc hội, đối với vị trí, vai trò, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng cần chú ý quy hoạch, xây dựng nguồn đại biểu, đặc biệt là nguồn đại biểu dân tộc thiểu số. Đồng thời, quy định theo hướng chuyên nghiệp hóa đại biểu Quốc hội thì không nên hoặc hạn chế quy hoạch là công chức hành pháp, tư pháp làm đại biểu Quốc hội để thực hiện nguyên tắc hiến định, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và cũng hạn chế sự vắng mặt đại biểu tại kỳ họp do bận xử lý công việc hành chính hàng ngày. Đồng thời, việc tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách là một trong những chỉ đạo quan trọng của Đảng nhằm đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội theo hướng phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội. Đây là chủ trương mang tính chiến lược, lâu dài mà không phải là chính sách áp dụng cho riêng một nhiệm kỳ hay một khoảng thời gian nhất định, nên cần được nghiên cứu để cụ thể hóa tại dự thảo Luật theo hướng quy định tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của đại biểu chuyên trách đối với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Thường trực Hội đồng Dân tộc nhất trí với Phương ánQuy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội (tương đương khoảng 200 đại biểu). Để hoạt động của Quốc hội vừa gọn nhẹ, vừa chuyên nghiệp nên xây dựng cơ chế để không cần công chức hóa đại biểu Quốc hội chuyên trách, để thu hút được lực lượng trí thức, nhà khoa học giỏi, luật sư có trình độ, những doanh nhân thành đạt có tâm huyết muốn đóng góp cho Quốc hội.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị quy định ngay trong luật Đoàn đại biểu Quốc hội có tối thiểu 02 đại biểu chuyên trách là phù hợp, bảo đảm hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đảm bảo gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của cử tri và vẫn đảm bảo tính linh hoạt phù hợp với từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác nhân sự.
Theo đó, các địa phương có thể căn cứ nguồn nhân sự để bố trí Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn; 02 Phó Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn và 01 đại biểu hoạt động chuyên trách… Vấn đề nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng chung, các ý kiến đại biểu cho rằng đã có những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động tại các tỉnh thực hiện thí điểm, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm tổng kết thực tiễn, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến để có cơ sở khoa học, thực tiễn để báo cáo Trung ương xem xét, cân nhắc lại quy định của Nghị quyết Trung ương Đảng về việc nhập 3 văn phòng thành một văn phòng. Nếu cần sáp nhập để giảm đầu mối thì đề nghị chỉ nên nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; giữ nguyên Văn phòng Ủy ban nhân dân riêng. Đồng thời, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng việc quy định kinh phí hoạt động do trung ương hay địa phương đảm bảo thì đều nằm trong tổng ngân sách chung, nhưng cần được quy định rõ ràng để dễ thực hiện.
Do vậy, Hội đồng Dân tộc đề nghị kinh phí hoạt động của Quốc hội quy định rõ ngân sách trung ương bảo đảm các hoạt động của Quốc hội cả ở cấp trung ương và địa phương (Đoàn đại biểu Quốc hội), theo đó quy định “Kinh phí hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương được ngân sách trung ương bảo đảm” để thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc
Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tên của Hội đồng Dân tộc, đề nghị vẫn giữ nguyên để đảm bảo tính tham gia đại diện của các thành phần dân tộc trong cơ quan dân tộc của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc là cơ quan của Quốc hội đại diện của 54 dân tộc anh em có cơ cấu là thành viên trong Hội đồng Dân tộc. Nếu đổi tên thành Ủy ban Dân tộc có thể gây nhầm lẫn với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. Đồng thời, tên gọi Hội đồng Dân tộc được quy định trong Hiến pháp, một số Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nếu sửa tên Hội đồng Dân tộc trong luật này thì sẽ phải sửa Hiến pháp, một số Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Hội đồng Dân tộc đề nghị nên ghi thống nhất là Hội đồng Dân tộc, theo đó viết hoa từ “Dân” để thống nhất trong các văn bản hành chính về in hoa các tên riêng. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc theo quy định trong điều 30 về quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc còn chưa phù hợp với sự gia tăng về khối lượng công việc cũng như đòi hòi về nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc. Theo quy định thì đại biểu tự nguyện đăng ký là thành viên Hội đồng Dân tộc, theo đó các đại biểu là người dân tộc thiểu số (đa phần cơ cấu vừa đại biểu DTTS, vừa trẻ, vừa là nữ, vừa ngoài đảng, vừa công tác ở cơ sở…) thường có xu hướng đăng ký làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc cũng không được chọn tham gia vào các Ủy ban khác của Quốc hội mà chưa có vai trò điều hòa của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để các đại biểu dân tộc thiểu số có cơ hội, có đại diện tham gia vào các Ủy ban khác của Quốc hội. Hơn nữa, đa số thành viên Hội đồng Dân tộc hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, công tác ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên cả nước, nên khi Hội đồng Dân tộc triệu tập tham dự phiên họp toàn thể không thể tham dự đầy đủ, thậm chí có phiên họp chưa quá bán số thành viên tham dự.
Do vậy, Hội đồng Dân tộc đề nghị sửa đổi: “Trên cơ sở đăng ký của đại biểu Quốc hội và yêu cầu đảm bảo chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định phê chuẩn”. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hoà việc các đại biểu tham gia thành viên Hội đồng Dân tộc và tham gia các Ủy ban với mục đích hài hoà để các đại biểu công tác ở cơ sở, vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngoài cơ hội tham gia thành viên Hội đồng Dân tộc thì cũng có cơ hội tham gia các Ủy ban khác. Hội đồng Dân tộc cũng tăng được số lượng thành viên là các đồng chí lãnh đạo, kể cả cán bộ là người Kinh để đảm bảo sự hài hòa trong bố trí nhân sự, cũng như đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong công việc. Thường trực Hội đồng Dân tộc nhất trí Phương án: Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/ Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và các Ủy viên khác. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/ Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực.
Ngoài ra, về số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng việc quy định tổng số cấp phó của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban không quá 40 người là chưa có cơ sở vì còn liên quan đến đề án nâng cấp các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, Thường trực Hội đồng Dân tộc chọn Phương án giữ nguyên quy định hiện hành về nội dung này. Việc quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng cơ quan được xác định trong đề án riêng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng cơ quan căn cứ vào yêu cầu công việc trong từng giai đoạn, nhiệm kỳ. Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc còn là đại diện cho thành phần dân tộc, cho vùng miền trong cả nước nên cần có những đặc thù riêng cho phù hợp./.