NHÓM NGHỊ SĨ HỮU NGHỊ VIỆT – PHÁP, ĐBQH NÓI TIẾNG PHÁP GẶP MẶT ĐẠI SỨ, TRƯỞNG ĐẠI DIỆN CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ NÓI TIẾNG PHÁP TẠI VIỆT NAM

25/11/2019

Chiều ngày 25/11, tại Nhà Quốc hội, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp phối hợp với Phân ban Việt Nam trong Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) tổ chức Cuộc gặp mặt giữa thành viên Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Pháp và các đại biểu Quốc hội nói tiếng Pháp với các Đại sứ Cộng hòa Pháp, Đại sứ và Trưởng đại diện nói tiếng Pháp của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi gặp mặt.

Tham dự buổi gặp còn có, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Đại sứ Rumani, Đại sứ Vương quốc Bỉ, Đại sứ Maroc, Đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam UN Women, Viện Pháp tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng các đại biểu Quốc hội là thành viên Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp, các đại biểu Quốc hội nói tiếng Pháp.

Cuộc gặp mặt giữa thành viên Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Pháp và các đại biểu Quốc hội nói tiếng Pháp với các Đại sứ Cộng hòa Pháp, Đại sứ và Trưởng đại diện nói tiếng Pháp của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. 

Bày tỏ vui mừng đón tiếp các Đại sứ nói tiếng Pháp, các Trưởng đại diện nói tiếng Pháp của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, thay mặt Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh đã thông báo những nội dung chính tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Kỳ họp thứ 8 diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 27/11/2019, đây là một kỳ họp dài nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay. Tại kỳ họp này, Quốc hội Việt Nam đã tập trung thảo luận về Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đồng thời, xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Quốc hội xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 04 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 09 dự án luật khác. Quốc hội cũng tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết trong năm 2019, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Pháp đã được đón 02 đoàn Nhóm NSHN Pháp – Việt của Hạ viện do Bà Stephanie Đỗ, Chủ tịch Nhóm làm Trưởng đoàn (tháng 7/2019) và của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Thượng viện do Bà Catherine Deroche, Chủ tịch Nhóm làm Trưởng đoàn (tháng 9/2019). Cá nhân tôi vinh dự được tham gia Đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm Pháp tháng 4/2019 vừa qua với tư cách Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Pháp và đã phối hợp với Nghị viện Pháp tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phi tập trung giữa các địa phương của hai nước nhân dịp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh thông báo với các đại biểu về những nội dung chính tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Chia sẻ về hoạt động của Phân ban Việt Nam trong APF trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Phân ban đã tổ chức Hội nghị Mạng lưới Nữ nghị sĩ và Hội nghị Ủy ban Giáo dục, Truyền thông và Văn hóa trong APF tại Hà Nội từ ngày 25-28/2/2019, tham dự Hội nghị Ủy ban Hợp tác - Phát triển tại Campuchia cùng nhiều hoạt động khác. Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ APF, Phân ban Việt Nam đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hoạt động của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Trong năm qua, các hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội đã bảo đảm tốt những nhiệm vụ chính của ngoại giao đa phương trong đó phát huy vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết với Quốc hội các nước về những vấn đề cùng quan tâm, nhất là tăng cường vai trò của các cơ quan lập pháp trong đôn đốc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đánh giá cao hoạt động cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, coi đây là điển hình hợp tác có hiệu quả giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và các nước trong khu vực trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đổi mới, khởi nghiệp và phát triển bền vững. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên nghị viện trong việc thực hiện Chiến lược khung của APF nhằm tăng cường vai trò của các Nghị viện trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu; và hiện thực hóa các nhiệm vụ trong Khung Chiến lược 2015-2020 của  OIF về Duy trì đa dạng văn hóa – ngôn ngữ, Duy trì hòa bình – dân chủ - quyền con người, Phát triển giáo dục – đào tạo – giảng dạy đại học và nghiên cứu, Phát triển bền vững và môi trường đoàn kết.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh thông báo về Hội nghị lần thứ 9 Vùng châu Á-Thái Bình Dương trong APF

Thông báo về Hội nghị lần thứ 9 Vùng châu Á-Thái Bình Dương trong APF tại tỉnh Luang Prabang, Lào từ ngày 12-14/12/2019, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho hay, theo kế hoạch Hội nghị lần này sẽ tập trung vào 02 chủ đề: (i) Thúc đẩy sự phát triển giáo dục bền vững trong khuôn khổ liên minh nghị viện Pháp ngữ; (ii) Chiến lược Pháp ngữ trong kỷ nguyên số: Vai trò của các nghị sĩ nhằm thúc đẩy các nỗ lực của APF trong lĩnh vực số để củng cố sự hợp tác giữa các nước Pháp ngữ; Báo cáo hoạt động của các Phân ban quốc gia. Theo dự kiến năm 2021, Hội nghị vùng lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ tin tưởng với sự tham gia của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị sẽ thúc đẩy tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong khu vực, tăng cường sự hợp tác có hiệu quả giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và các nước trong khu vực trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đổi mới, khởi nghiệp và phát triển bền vững. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên nghị viện trong việc thực hiện Chiến lược khung của APF nhằm tăng cường vai trò của các Nghị viện trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trao đổi thêm về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFA), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh mong muốn Nghị viện Châu Âu sẽ phê chuẩn 2 Hiệp định này vào tháng 2/2020 như dự kiện và về phía Việt Nam, dự kiến Quốc hội phê chuẩn EVFTA vào Kỳ họp tháng 5/2020; đồng thời bày tỏ tin tưởng khi được triển khai thực hiện, 2 Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước EU. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh kỳ vọng, các Đại sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình thúc đẩy quá trình phê chuẩn đó.

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery phát biểu tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại cuộc gặp, các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đều bày tỏ vui mừng trước sự đón tiếp của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Pháp, các đại biểu Quốc hội Việt Nam, đánh giá cao về sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt qua đó thúc đẩy hợp tác trong khối Pháp ngữ.

Thống nhất về những vấn đề mà Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam nêu ra, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định đây là những vấn đề mang tính chiến lược mà hai bên cùng quan tâm và cho rằng Cộng đồng Pháp ngữ sẽ là cầu nối góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra. Về Hiệp định EVFTA, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết, không chỉ Chính phủ Pháp mà cộng đồng doanh nghiệp Pháp cũng rất mong chờ Hiệp định này sớm được phê chuẩn và kỳ vọng vào những tác động tích cực của Hiệp định cho cả hai bên.

Ngoài ra, tại cuộc gặp, các đại biểu đã trao đổi về thảo luận các vấn đề là mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên tổ chức quốc tế Pháp ngữ ở châu Á – Thái Bình Dương cũng như các giải pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp, phát triển giáo dục bền vững, phát triển bao trùm. Trong đó, các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Đồng thời, mong muốn các cuộc gặp giữa thành viên Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Pháp và các đại biểu Quốc hội nói tiếng Pháp với các Đại sứ và Trưởng đại diện nói tiếng Pháp của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ diễn ra một cách thường xuyên hơn, trao đổi về các vấn đề các bên cùng quan tâm, qua đó tăng cường hợp tác, đoàn kết, tình hữu nghị trong khối Cộng đồng Pháp ngữ./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh