HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ NGÀNH, NGHỀ CẤM ĐẦU TƯ KINH DOANH VÀ NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

25/11/2019

Trong hồ sơ dự Luật trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, cơ quan soạn thảo dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cho biết đã đánh giá tác động của chính sách đối với việc hoàn thiện các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đại diện cơ quan soạn thảo báo cáo một số nội dung

Theo đó, cơ quan soạn thảo xác định, mục tiêu giải quyết vấn đề nhằm nâng cao  hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện; Bảo đảm hiệu quả thực hiện cam kết về tự do hóa và mở cửa thị trường đầu tư của Việt Nam theo các Hiệp định đầu tư song phương và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Để thực hiện các mục tiêu, cơ quan soạn thảo đã đề xuất chính sách và giải pháp thực hiện:

Giải pháp 1: Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Đầu tư để làm rõ nội hàm của một số khái niệm cơ bản liên quan đến đầu tư kinh doanh. Theo đó, “Đầu tư kinh doanh” là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh;  “Điều kiện đầu tư kinh doanh” là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; “Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài” là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. Bổ sung một số quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

 Giải pháp 2: Bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết; cập nhật, chuẩn xác tên gọi và hệ thống hóa một số ngành, nghề; đồng thời, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và bảo vệ môi trường. Sửa đổi quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Giải pháp 3: Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật. Tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các loài động, thực vật và các chất này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giải pháp 4: Quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này do Chính phủ công bố căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế về đầu tư, gồm: Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

Toàn cảnh Phiên họp

Đánh giá tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo cho biết, các tác động tích cực đến từ giải pháp này là với việc thực hiện chính sách này, người dân và doanh nghiệp sẽ được Nhà nước tiếp tục bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Những rào cản trong đầu tư, kinh doanh được giảm bớt do một số ngành, nghề và điều kiện kinh doanh được bãi bỏ. Đồng thời, với các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định rõ ràng, minh bạch hơn, người dân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận, tuân thủ một cách thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả và nhờ vậy, tránh được rủi ro, chi phí không cần thiết trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc thực hiện chính sách này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ quan này đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh theo đúng thẩm quyền, với tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hiệu quả. Việc ban hành Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn - bỏ sẽ giúp cho việc áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được thuận lợi, nhanh chóng. Các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư sẽ không bắt buộc phải lấy ý kiến của Bộ quản lý ngành khi xác định điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực.

Đối với hệ thống pháp luật về cơ chế quản lý nhà nước, việc bổ sung quy định thuộc nhóm chính sách này sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát ban hành quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, hạn chế tình trạng đề xuất tràn lan, tùy tiện, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Việc ban hành Danh mục điều kiện đầu tư áp dụng riêng với nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần minh bạch hóa các quy định của pháp luật chuyên ngành của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và các điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định có cách tiếp cận khác nhau về mở cửa thị trường (chọn-cho và/hoặc chọn-bỏ). Đồng thời, việc thực hiện chính sách này cũng góp phần bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ, thống nhất trong việc áp dụng các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Về tác động tiêu cực, có thể xem xét một số tác động tiêu cực và thách thức có thể phát sinh trong quá trình áp dụng Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn - bỏ như sau: Hạn chế khả năng và tính hiệu quả của việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, theo chiều sâu; Hạn chế dư địa ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách về đầu tư kinh doanh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ; Hạn chế dư địa đàm phán về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư của Việt Nam theo các Hiệp định đầu tư song phương và Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tương lai; Có khả năng phát sinh khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp chính sách này không được thực hiện nhất quán và có hiệu quả.     

Trên cơ sở đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo kiến nghị tiếp tục rà soát các văn bản quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh để trình cấp có thẩm quyền xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi các ngành, nghề và điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức rà soát toàn bộ các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời tiếp tục đánh giá một cách thận trọng các tác động của chính sách này./.

Hồ Hương